Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm của quỹ từng đạt hiệu suất 67%

VESAF VINACAPITAL
07:52 - 08/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đến cuối tháng 6/2022, nhóm FDI và xuất khẩu đang chiếm khoảng 30% tỷ trọng đầu tư của quỹ VSAEP. Đồng thời quỹ từng đạt hiệu suất 67% năm 2021 này cũng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng ngành thép và ngân hàng ngay từ tháng 4.
Bà Nguyễn Hoài Phương, người điều hành quỹ VESAF.

Bà Nguyễn Hoài Phương, người điều hành quỹ VESAF.

VESAF (Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam của VinaCapital) là một trong những quỹ có hiệu suất hoạt động tích cực nhất trên thị trường. Năm 2021 khi thị trường tăng 35% thì hiệu suất của quỹ này tăng 67%. Nửa đầu năm nay, khi VN-Index giảm 20%, VESAF chỉ giảm ở mức 6,9%, khả quan hơn nhiều so với mức âm hai con số của nhiều quỹ đầu tư khác.

3 yếu tố trọng tâm khi đầu tư

Tại buổi thảo luận về Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm chiều 7/7 của VinaCapital, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Quỹ VESAF cho biết, các quỹ đầu tư có một số ưu thế hơn so với nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên để chiến thắng thị trường thì cũng cần có chiến lược cụ thể.

Tại VESAF có 3 yếu tố cần phải quan tâm khi đầu tư. Đó là phân bổ ngành, lựa chọn cổ phiếu và quản lý rủi ro. Năm 2020-2021, thị trường Việt Nam khá thuận lợi, VESAF chỉ tập trung nhiều vào việc lựa chọn cổ phiếu và cân đối tỷ trọng giữa các cổ phiếu đó để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên sang năm 2022, ngay từ đầu năm, khi một số cổ phiếu được định giá quá cao, việc xác định nhóm ngành dẫn dắt quyết định phần lớn hiệu suất đầu tư của danh mục.

Sau đó, thị trường lại xuất hiện những thông tin tiêu cực ảnh hưởng triển vọng vĩ mô thế giới. Nội tại Việt Nam cũng có những thay đổi như siết chặt trái phiếu, giao dịch cổ phiếu biến động. Vì vậy, VESAF đẩy mạnh quản trị rủi ro.

Bà Phương nhận định, có rất nhiều yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến các ngành chính của VN-Index. Như chiến tranh Nga – Ukaine và lạm phát dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng và tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ chậm lại. Vì vậy, những ngành như thép, vật liệu xây dựng, xây dựng bị ảnh hưởng.

Thứ hai là triển vọng trái phiếu ảnh hưởng đến tăng trưởng của rất nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở. Năm 2021, các nhóm ngành này đã tăng rất mạnh. Cổ phiếu những công ty nhỏ, quỹ đất không có giá trị nhưng cổ phiếu vẫn tăng trưởng nhiều; thể hiện rủi ro nhất định.

Ngoài ra, việc thanh khoản suy yếu do siết chặt tín dụng ảnh hưởng đến ngân hàng và các công ty chứng khoán.

Hiệu suất đầu tư của VESAF, trong đó Sharpe là tỷ lệ lợi nhuận thu được trên một đơn vị rủi ro.

Hiệu suất đầu tư của VESAF, trong đó Sharpe là tỷ lệ lợi nhuận thu được trên một đơn vị rủi ro.

Tuy nhiên, theo người điều hành một trong 2 quỹ lớn nhất của VinaCapital thì chia theo nhóm ngành nhỏ, một số vẫn hưởng lợi rất nhiều, chủ yếu là từ xuất khẩu như thủy sản, hóa chất, bán lẻ, công nghệ, logistic, bất động sản khu công nghiệp…

“Đây là chủ đề đầu tư mà chúng tôi phân bổ rất nhiều trong 2 năm vừa qua. Nhưng trong năm nay, chúng tôi tăng tỷ trọng ở một số doanh nghiệp có triển vọng tốt hơn. Như trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi có tăng tỷ trọng Vĩnh Hoàn, Hoá chất Đức Giang, Cao su Đồng Phú…”, bà Phương tiết lộ. Bà cho biết thêm, đến cuối tháng 6, nhóm FDI và xuất khẩu chiếm khoảng 30% tỷ trọng đầu tư của VSAEP. Đồng thời quỹ này cũng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng ngành thép và ngân hàng ngay trong tháng 4.

Vì sao nhóm ngành FDI và xuất khẩu hấp dẫn?

Trả lời câu hỏi tại sao nhóm ngành FDI và xuất khẩu lại hấp dẫn, bà Phương cho biết, nếu nói về động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thì cần nhìn song song, một là tiêu dùng trong nước và hai là xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều năm.

Tuy nhiên nhóm xuất khẩu trong những năm gần đây có những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tạo ra tăng trưởng tốt hơn trong trung hạn, đặc biệt là sau các sự kiện chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, Covid-19, xung đột Nga – Ukraine. Tất cả tạo ra sự xáo trộn trên thế giới, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất sang các nước có triển vọng và điều kiện kinh doanh ổn định.

Mặc dù vậy, bà Phương cũng lưu ý rằng nhóm xuất khẩu không dễ đầu tư. Vì trong nhóm này, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu mang tính chu kỳ cao. Kết quả kinh doanh thường biến động, phụ thuộc nhiều vào ngoại cảnh không lường trước được. Vì vậy, tỷ trọng của VESAF vào các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp không nhiều. Nếu có thì cũng tập trung vào tính chất tăng trưởng ổn định bền vững.

Nhìn rộng ra, không chỉ xuất khẩu trực tiếp, những nhóm hưởng lợi trong chủ đề đầu tư này rất rộng, còn có cảng biển, dịch vụ kho bãi, khu công nghiệp, tiện ích liên quan. Đây là những nhóm có sự ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn.

Mặc dù doanh nghiệp FDI chủ yếu tạo ra phần lớn giá trị xuất khẩu nhưng việc thu hút FDI lại tạo ra tăng trưởng cho các doanh nghiệp liên quan. Trong những năm tới, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút FDI vì nhu cầu dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ổn định chứ không chỉ nhắm đến chi phí thấp như trước. Bà Nguyễn Hoài Phương

Như khu công nghiệp, những công ty có quỹ đất lớn, vị trí tốt và dư địa khai thác quỹ đất khi hành lang pháp lý về sử dụng đất ngày càng hoàn thiện sẽ hấp dẫn. Các công ty có quỹ đất ở khu vực xa hơn như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước đang được hưởng lợi, sau khi các khu vực chính như Bình Dương, Đồng Nai đã hạn chế.

Nhóm cảng biển – kho bãi tăng trưởng ổn định hơn. Ngành này hấp dẫn vì việc mở rộng rất khó khăn, không phải công ty nào cũng tham gia mở rộng được. Đặc biệt phí xếp dỡ container ở Việt Nam so sánh với khu vực vẫn thấp. Họ được hưởng lợi từ rất nhiều ngành xuất khẩu nên mức độ biến động sẽ giảm thiểu.

Việt Nam đang ở giai đoạn kinh tế nội địa đang được hưởng lợi nhiều từ FDI. Vì đây là yếu tố góp phần thúc đẩy thu nhập trung bình của Việt Nam, giống như các nước phát triển khác trong các giai đoạn trước.

Tỷ trọng phân bổ đầu tư của VESAF.

Tỷ trọng phân bổ đầu tư của VESAF.

Nhóm ngân hàng đang có định giá hấp dẫn

Về nhóm ngành ngân hàng, Giám đốc Đầu tư VESAF cho biết, quỹ này vẫn tham gia đầu tư. Tuy nhiên từ 2022 trở đi, VESAF xác định cần có sự tập trung hơn vào 2-3 ngân hàng có câu chuyện tăng trưởng rõ ràng hơn, quản lý rủi ro tốt hơn. Vì sau thời gian ngân hàng tăng trưởng tốt về lợi nhuận, sự phân hóa sẽ rõ ràng hơn vì cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Như cho vay bán lẻ hoặc hợp đồng bảo hiểm, những năm trước ngân hàng nào cũng đạt tỷ trọng cao. Nhưng để tăng trưởng tiếp những năm sau thì cần có chiến lược khác.

Đồng thời, VESAF cũng giảm tỷ trọng ở những ngân hàng có rủi ro nhiều hơn. Năm trước, ngân hàng được thuận lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng; tăng NIM, cho vay bất động sản, trái phiếu mang lại hiệu quả cao; dòng tiền cũng được hỗ trợ. Năm nay vĩ mô khó khăn hơn, lạm phát, lãi suất tăng ảnh hưởng đến chi phí vốn, trong khi lãi suất đầu ra hạn chế do phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Việc siết chặt trái phiếu cũng ảnh hưởng đến cho vay bất động sản khi tỷ trọng chiếm 20-25%.

Về nợ xấu, trái phiếu chỉ chiếm 2-3% tín dụng. Tuy nhiên hiệu ứng lan rộng đến dòng tiền cũng như khả năng mở rộng quỹ đất của công ty bất động sản hiện tương đối khó khăn.

Mặc dù có nguy cơ rủi ro nhưng theo bà Phương, sau khi thị trường điều chỉnh, các cổ phiếu nhóm ngân hàng đã giảm mạnh dẫn tới định giá đang hấp dẫn so với quá khứ và so với nội tại của ngân hàng. Nếu muốn đầu tư thì việc cần làm là lựa chọn ngân hàng tăng trưởng tốt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn. Đồng thời phải quan sát tín hiệu liên quan đến tín dụng để quyết định vùng giải ngân ở đâu.

Hiệu suất các nhóm ngành trong 6 tháng đầu năm 2022.

Hiệu suất các nhóm ngành trong 6 tháng đầu năm 2022.

Nhiều cổ phiếu bán lẻ chưa hợp lý

Về ngành bán lẻ, lý giải về việc không chọn giải ngân lớn ở nhóm này như các quỹ đầu tư khác, đại diện VESAF cho biết, ngành bán lẻ là một trong số ít tăng trưởng mạnh thời gian qua do hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng, sau thời gian bị nén. Có doanh nghiệp tăng 40% trong quý 1, thậm chí có doanh nghiệp tăng 4-5 lần.

“Nhìn bề mặt rất hấp dẫn, nhưng khi đầu tư vào nhóm này tôi thường đặt một số câu hỏi. Như sức mua năm nay phục hồi như vậy nhưng kéo dài trong bao lâu? Mọi người đều nhìn thấy tăng trưởng cao nhưng vẫn có một số rủi ro như lạm phát. Hay giá cổ phiếu đã phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp chưa? Mức định giá của các doanh nghiệp này đều đang neo ở mức cao, ngay cả trong giai đoạn thị trường suy giảm. Nhà đầu tư đang phải trả một cái giá chưa hợp lý”, bà Phương cho biết.

Ngoài ra, khi nhìn sâu về doanh nghiệp, bà Phương nhận thấy có một số doanh nghiệp sụt giảm ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu). Kết quả đi xuống buộc họ phải đi vào phát triển những ngành hàng mới. Những ngành hàng mới này phải định giá như thế nào? Đây chính là sức ép cho doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Không nên nhìn quá nhiều vào VN-Index

Về chiến lược lựa chọn cổ phiếu của VSAEP, bà Phương cho biết, mục tiêu của quỹ là nắm giữ dài hạn nên những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng bền vững sẽ đánh giá cao hơn. Như mảng xuất khẩu thủy sản, những năm trước VSAEP lựa chọn FMC vì nhìn thấy doanh nghiệp có hiệu quả tăng lên từng năm, ổn định cao, mặc dù trong điều kiện kinh doanh biến động. “Sâu hơn nữa, chúng tôi nhìn thấy công ty có ban lãnh đạo tâm huyết, có kế hoạch, định hướng mở rộng kinh doanh”, bà Phương chia sẻ.

Ngoài ra, VSAEP đánh giá cao các công ty có triển vọng tăng trưởng kinh doanh, có sự thay đổi chiến lược, định hướng kinh doanh. Cùng khối tài sản nhưng có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn. Lấy ví dụ về Công ty Tân Cảng Long Bình trong ngành vận tải kho bãi, bà Phương cho rằng đây là mã cổ phiếu nhỏ nhưng có vị trí chiến lược, được hưởng lợi bởi xu hưởng chuyển từ cảng trung tâm sang cảng nước sâu. Họ cung cấp một dịch vụ giúp giảm tắc nghẽn, giúp cho lưu chuyển hàng hóa tốt hơn.

Bà Phương lưu ý thêm, việc xác định giá trị doanh nghiệp không phải đắt hay rẻ mà phải xét đến khả năng lợi nhuận hóa trên khối tài sản. Ví dụ như SZC (Sonadezi Châu Đức), DPR (Cao su Đồng Phú) được hưởng lợi từ phát triển hạ tầng trong khu vực nên khả năng hiện thực hóa tốt hơn trong thời gian ngắn.

Những đợt giảm mạnh của VN-Index.

Những đợt giảm mạnh của VN-Index.

Về nhóm ngành khó đầu tư, bà Phương cho rằng đó là bất động sản nhà ở vì mang tính chu kỳ quá cao. Nếu giải ngân, bà lựa chọn các công ty có chiến lược thận trọng như Khang Điền. Còn các công ty có hiệu suất giảm theo thời gian thì không nằm trong danh sách quan tâm.

Trước thực trạng nhiều nhà đầu tư hoang mang sau đợt sụt giảm thị trường vừa qua, bà Phương cho biết: “Đối với chúng tôi đây không phải lần đầu”. Theo người điều hành VSAEP, trong quá khứ có một số thời kỳ VN-Index cũng giảm điểm rất mạnh. Nhìn về xu hướng thì sau những đợt sụt giảm đó, thị trường đều đi lên. Hơn nữa tại thời điểm hiện tại, nội tại của doanh nghiệp đã tốt hơn rất nhiều.

Trong năm nay, bà Phương nhận định việc thị trường phục hồi sẽ đi theo hướng chậm rãi và bền vững hơn nên có thể là trở ngại với nhà đầu tư lướt sóng, thiếu phân tích doanh nghiệp. Còn với các quỹ như VSAEP, đây là cơ hội để xem xét một số công ty đang trong tầm ngắm.

Chiến lược đầu tư trong 6 tháng cuối năm, bà Phương đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư rằng nên thận trọng. Vì những nút thắt trên thị trường chưa được xử lý. Tuy nhiên, đừng nhìn quá nhiều vào VN-Index mà phải nhìn vào doanh nghiệp. Như năm 2019, thị trường chỉ tăng 8% nhưng nhiều cổ phiếu lại đạt mức tăng trưởng cao như FPT, MWG, lên tới 30-60%. Đây là những công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan. Hay VCB trong năm này cũng tăng tới 70%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.