Chiến sự tại Israel có thể thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn

chiến sự ISRAEL
12:39 - 09/10/2023
Người dân cố gắng dập lửa sau vụ tấn công bằng tên lửa từ Dải Gaza ở Ashkelon, miền nam Israel ngày 7/10/2023. Ảnh: AFP
Người dân cố gắng dập lửa sau vụ tấn công bằng tên lửa từ Dải Gaza ở Ashkelon, miền nam Israel ngày 7/10/2023. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tình hình chiến sự tại Israel có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ từng diễn biến tại Trung Đông để đánh giá rủi ro địa chính trị đối với thị trường.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, việc mua vào các tài sản có giá trị trú ẩn như vàng và đồng USD – các tài sản có khả năng giữ nguyên giá hoặc thậm chí tăng giá trong bối cảnh bất ổn – thường ghi nhận sự gia tăng tương ứng.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Spartan Capital Securities, cho biết: “Đây là một ví dụ điển hình về lý do tại sao mọi người cần vàng trong danh mục đầu tư của họ”. Nguyên nhân do vàng là một hàng rào hoàn hảo chống lại tình trạng hỗn loạn quốc tế”. Tương tự, đồng USD cũng là một tài sản “sẽ mạnh lên bất cứ khi nào có bất ổn quốc tế”, ông cho biết.

Ngoài tác động lên giá vàng và đồng USD, các nhà đầu tư cũng tập trung chú ý vào tác động của chiến sự lên giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu. Theo đánh giá của ông Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management, “đây có phải là thời điểm thị trường chứng kiến sự thay đổi lớn hay không phụ thuộc vào việc nó kéo dài bao lâu và liệu những bên khác có bị cuốn vào cuộc xung đột hay không”.

Ông nhận định: “Điều quan trọng nhất là phải xem Saudi Arabia phản ứng như thế nào”. Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ vẫn đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia. Trong tuyên bố ngày 8/10, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của chiến sự lên nỗ lực bình thường hóa quan hệ của Washington.

Theo Financial Times trích dẫn Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cùng ngày, các bên vẫn còn những vấn đề thách thức cần giải quyết, “nhưng nếu chúng ta có thể đạt được kết quả tích cực thì một con đường khác hẳn cho khu vực và cho tương lai sẽ được mở ra”. Trước mắt, phản ứng chính thức của Saudi Arabia chỉ bao gồm lời kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức sự leo thang giữa hai bên, bảo vệ dân thường và tự kiềm chế".

Ở một diễn biến khác, vai trò của Iran – quốc gia thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc tấn công của các chiến binh Hamas của Palestine – cũng được các nhà phân tích cân nhắc. Reuters trích dẫn ông Jacobsen cho biết: “Sản lượng dầu của Iran đang tăng lên, nhưng bất kỳ tiến bộ nào họ đạt được sau hậu trường với Mỹ sẽ bị hủy hoại đáng kể bởi các hành động ủng hộ”. Theo ông, “việc sản lượng dầu của nước này sụt giảm sẽ gây ra tác động nhưng sẽ không quá nghiêm trọng”.

Mọi chuyện bắt đầu từ rạng sáng 7/10 khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết tổ chức vũ trang Hamas đã phóng khoảng 2.200 quả rocket từ Dải Gaza vào các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Israel. Nhóm Hamas cũng đổ bộ vào nhiều thị trấn và khu dân cư Israel bằng đường bộ, đường biển và dù lượn trên không.

Vụ tập kích lớn và bất ngờ khiến hệ thống lá chắn phòng không Vòm Sắt của Israel quá tải và không thể đánh chặn toàn bộ. Loạt vụ nổ đã được ghi nhận tại Jerusalem, Tel Aviv và ở miền nam Israel, khiến hàng nghìn người dân phải đổ xô vào các hầm trú ẩn dưới lòng đất.

Ngay sau vụ tập kích trên, Israel đã đáp trả bằng cách tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel ngày 7/10 là động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất tại khu vực này trong nhiều năm qua, đồng thời rơi vào dịp Israel kỷ niệm 50 năm Chiến tranh Yom Kippur giữa Ả Rập - Israel (1973-2023). Lần giao tranh dữ dội nhất giữa lực lượng Israel và các nhóm vũ trang tại Dải Gaza xảy ra hồi giữa năm 2021.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.