Chính sách tiền tệ chuyển sang 'linh hoạt, nới lỏng' để hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng

CHÍNH SÁCH KINH TẾ
18:41 - 20/07/2023
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Ảnh:VGP
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Ảnh:VGP
0:00 / 0:00
0:00
TS. Cấn Văn Lực đánh giá, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển chính sách tiền tệ sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng" thời điểm này là chỉ đạo phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.

Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua đã thống nhất cao quan điểm chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn".

Đánh giá về những chỉ đạo này của Thủ tướng, tại tọa đàm Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/7, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, các chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước.

"Chúng ta nhớ rằng, điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm vừa qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là "đa khủng hoảng" xảy ra. Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ "chuyển trạng thái", ông Lực cho hay.

Vị chuyên gia này nhớ lại, trong thời kỳ quý 1 đến quý 3 năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của Việt Nam là "chặt chẽ". Cuối năm ngoái, về cơ bản lạm phát kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Thời điểm hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Đây là quyết định rất phù hợp, ông Lực đánh giá.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực đưa ra 3 yếu tố quan trọng để khẳng định sự đúng đắn của quyết định này.

Một là, giá cả, lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá. Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn chúng tôi dự báo, như ở Mỹ, lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá năng lượng, giá hàng hóa cơ bản cũng đã và đang giảm dần, trừ một vài mặt hàng nông sản thời gian gần đây, như gạo, cà phê…

Hai là, ở Việt Nam, về cơ bản cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi, đã và đang giảm dần từ đầu năm tới giờ. Lạm phát tổng thể hồi tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, tháng 6 vừa qua chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6.

"Trong khi đó, kinh tế 2 quý đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 3,72%. Rõ ràng bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế", vị chuyên gia khẳng định.

"Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm được thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra", TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

3 bài học từ cách điều hành chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì trong điều hành chính sách tiền tệ từ các nước?

Trả lời vấn đề này TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đây là một câu chuyện rất dài nếu nói về chính sách tiền tệ của các quốc gia và mỗi nước cũng có một đặc thù nhất định. Song, vị chuyên gia này chỉ ra 3 bài học mà Việt Nam có thể học hỏi tham khảo từ các nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Bài học đầu tiên, các nước đều rất quan tâm tới cả 2 mục tiêu: Ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ông Thành phân tích, minh chứng rõ việc ưu tiên cho mục tiêu lạm phát này là các nước như Mỹ, với hành động của Fed, hay nhiều nước châu Âu. Mặt khác cũng có những nước, trong bối cảnh lạm phát còn rất thấp và ổn định vẫn giữ được, thì trọng số của họ chuyển mạnh vào hỗ trợ tăng trưởng, chẳng hạn như Nhật Bản.

Nhưng cách gì thì cách, đầu tiên là tuyên ngôn của các Ngân hàng Trung ương phải rất rõ về mục tiêu ưu tiên. Đối với Mỹ và châu Âu, họ luôn ấn định mục tiêu cuối cùng là lạm phát phải ở con số trước đây thông qua là 2%.

Còn với những nước như Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, mặc dù tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, nhưng họ vẫn theo dõi rất chặt chẽ biến động của lạm phát, để khi cần có thể điều chỉnh ít nhiều chính sách tiền tệ.

"Như vậy, bài học ở đây là phải rất rõ trong việc minh bạch điều đó, cộng với tính linh hoạt và sự khéo léo để làm sao đạt được cả 2 mục tiêu. Như chúng ta bàn là có thời điểm, có trọng điểm, thì họ có trọng số này, trọng số kia", TS. Võ Trí Thành đúc kết.\

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

Bài học thứ hai, chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định, độ an toàn, sự lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.

Bài học này không mới nhưng từ cuộc khủng hoảng châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và đến bây giờ, thấy rất rõ câu chuyện sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, khởi đầu là ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) của Mỹ và kéo theo một loạt ngân hàng khác của Mỹ cũng như một trong top đầu ngân hàng là Silvergate Bank sụp đổ.

Bài học này, nhìn rộng ra góc độ kinh tế vĩ mô, là sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng. Thực chất Việt Nam năm 2022 cũng phải rất vất vả chống đỡ sự rung lắc của thị trường tài chính, và đặc biệt là chấn động của một số ngân hàng ở Việt Nam.

Bài học thứ ba, chính sách của Chính phủ thường là đa mục tiêu, muốn đa mục tiêu thì phải đa công cụ, cho nên chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả.

"Cần phải phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.