Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh: Nên kéo dài giảm thuế VAT để kích cầu

KINH TẾ QUỐC HỘI
13:32 - 17/09/2023
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu... đang trong xu hướng sụt giảm, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho rằng các chính sách hỗ trợ cần tiếp tục được duy trì.

Chia sẻ tại họp báo công bố chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng 17/9, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn là điểm sáng trong “bức tranh xám” của thế giới.

Mặc dù vậy, các thách thức của nền kinh tế đã được nhận diện, điển hình là động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Trong đó, đầu tư công mấy tháng gần đây đã được đẩy nhanh nhưng so với mục tiêu cả năm 2023 vẫn là thách thức. Đầu tư tư nhân chưa có nhiều biến chuyển tích cực do các doanh nghiệp vẫn đang khó khăn. Lãi suất đã giảm nhưng tăng trưởng tín dụng lại không như kỳ vọng...

Trong bối cảnh ấy, ông Thanh cho biết việc khơi thông nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng là yêu cầu cấp thiết.

Theo Chủ nhiệm UBKT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Như hai tháng gần đây, tiến độ giải ngân đã được đẩy nhanh hơn.

Chính phủ đã có tờ trình gửi sang Quốc hội và UBKT đang tiến hành thẩm tra. Đó là nghị quyết thí điểm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư ở một số luật liên quan đến các công trình giao thông, như nâng vốn của Nhà nước trong dự án PPP, giao quyền cho các cơ quan địa phương, giải quyết vấn để “tắc” về khoáng sản, sử dụng ngân sách của cấp này cho cấp kia, ngân sách của tỉnh này cho tỉnh kia... Ông Thanh kỳ vọng nghị quyết này được Quốc hội thông qua sẽ giúp đầu tư công đạt được mục tiêu đề ra.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ông Thanh cho biết, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát thì việc triển khai của các cơ quan Chính phủ đã quyết liệt hơn nhiều. Nghị định 27 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều vướng mắc đã được sửa đổi bằng Nghị định 38.

Theo Chủ nhiệm UBKT, vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát và sắp tới sẽ trình ra Quốc hội. Trong đó đã nhận diện được những khó khăn, vướng mắc trong ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Điển hình như việc vẫn còn câu chuyện mâu thuẫn, chồng chéo giữa văn bản và văn bản kia, có văn bản hướng dẫn dẫn chiếu đến 50 văn bản khác, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Hay bất cập trong việc phân bổ vốn từ Trung ương, từ Quốc hội sang Chính phủ, từ Chính phủ xuống địa phương, đặc biệt là vốn sự nghiệp...

"Đây là những vấn đề mà sắp tới các cơ quan sẽ giải trình với Quốc hội và phải đưa ra các giải pháp để tháo gỡ. Như một trong các đề xuất của Đoàn giám sát là giao vốn một cục cho cấp dưới để tự phân bổ cho mục tiêu của mình, tránh tình trạng Trung ương phân bổ vốn sự nghiệp không phù hợp với nhu cầu thực tiễn", ông Thanh nói.

Họp báo công bố chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

Họp báo công bố chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

Liên quan đến câu chuyện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung, ông Thanh cho rằng đây không phải là vấn đề mới.

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh và Trung ương cũng đã nhận diện, giao cho Chính phủ xử lý. Bộ Nội vụ đang trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ ban hành nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ nhiệm UBKT kỳ vọng nghị định này sẽ tháo gỡ được câu chuyện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Về chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, ông Thanh cho biết đây là một trong các chính sách thuộc Nghị quyết 43. Qua theo dõi của các cơ quan Quốc hội thì chỉ có gói hỗ trợ 2% lãi suất (40.000 tỷ đồng) là chậm, còn các gói khác như miễn giảm tiền thuê đất; gia hạn, khoanh nợ, giãn nợ... đã triển khai tích cực. "Các chính sách này đã giúp chúng ta thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội", ông Thanh khẳng định.

Liên quan đến đề xuất kéo dài việc giảm thuế VAT, Chủ nhiệm UBKT cho rằng phải đợi đánh giá tổng kết, xem quá trình triển khai như thế nào, tích cực và hạn chế ra sao. Chính phủ sẽ phải báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm xem có cần thiết phải kéo dài không. "Thị trường nội địa là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng nên theo ý kiến cá nhân của tôi thì chính sách này có thể kéo dài để kích cầu", ông Thanh nêu quan điểm.

Về thuế thu nhập cá nhân, rất nhiều ý kiến cho rằng phải ban hành sớm nhưng theo ông Thanh, Ủy ban Tài chính Ngân sách vẫn chưa nhận được tờ trình từ Chính phủ. Sắp tới, ông Thanh cho rằng không chỉ thuế thu nhập cá nhân mà nhiều nội dung khác như thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế cũng cần được xem xét.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.