Chủ tịch Quốc hội: 'Muốn cá to phải có ao sâu, có đại bàng phải làm tổ lớn'

Khánh Hoà QUỐC HỘI
22:19 - 02/03/2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Báo Khánh Hoà
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Báo Khánh Hoà
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Quốc hội, chưa bao giờ thể chế pháp lý, nguồn lực được dành cho Khánh Hòa nhiều như vậy. Tỉnh cần thực hiện các mục tiêu phát triển bằng những chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể.

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, sáng 2/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, năm 2023, tỉnh có 20/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, GRDP tăng 10,35%. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,09%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,69%.

Tỉnh đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách lưu trú, đạt doanh thu hơn 31.778 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 5,9%.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán và tăng 9,2% so với năm 2022. Năm 2023, toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100.865 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh chia sẻ, hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn, mới đứng thứ 31 trong các tỉnh; thời gian để thực hiện các nghị quyết của Trung ương còn rất ngắn. Kinh tế chủ yếu là phát triển du lịch, lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Báo Khánh Hoà
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân. Ảnh: Báo Khánh Hoà

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong năm 2023 Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh là một trong ít các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đầu nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh (GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8,15%, mục tiêu là 7,1%).

Trong tầm nhìn đến 2030, Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây là thời gian trùng với mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khoảng cách từ những gì đạt được so với mục tiêu còn lớn, quy mô kinh tế của tỉnh còn khiêm tốn. Do vậy Khánh Hoà không chỉ phải tăng tốc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024, năm 2025 mà phải cho những năm tiếp theo, giữ vững tăng trưởng ở mức hai con số, thậm chí cao hơn mục tiêu phấn đấu trong quy hoạch.

Tỉnh cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thực hiện nhanh, sớm các tuyến cao tốc, hạ tầng nghề cá; xây dựng đề án về thu ngân sách, tạo ra cơ sở thu mới; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý nguồn thu du lịch.

Theo Chủ tịch Quốc hội, chưa bao giờ thể chế pháp lý, nguồn lực được dành cho Khánh Hòa nhiều như vậy. Tỉnh cần thực hiện các mục tiêu phát triển bằng những chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể. Đối các vùng ven biển, phải phát triển theo hướng đột phá; vùng đồng bằng và vùng núi, cần phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, khi xây dựng đề án nông thôn mới cho Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, phải gắn liền với định hướng trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

"Giữa tỉnh và các bộ, ngành cần có sự phối hợp sát hơn nữa trong triển khai công việc. Chính phủ cần tháo gỡ về chỉ tiêu đất công nghiệp, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Muốn cá to phải có ao sâu, có đại bàng phải làm tổ lớn,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng trong sáng 2/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ công bố Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng động lực phát triển của tỉnh là chuỗi đô thị Vân Phong-Nha Trang-Cam Lâm-Cam Ranh. Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm được lập và phê duyệt đặt trong tổng thể kết nối, liên kết với thành phố Nha Trang và đô thị Cam Ranh.

Đây sẽ là đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, thông minh đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu; trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; đô thị có môi trường sống chất lượng cao; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.