Chứng khoán 27/12: Hàng loạt mã nóng đảo chiều tăng, nhóm bank “gánh team”

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
17:02 - 27/12/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Lực bán gia tăng khiến thị trường hôm nay chìm trong sắc đỏ. Nhưng kết phiên, VN-Index vẫn hồi phục thành công, lên mức 1488.88 điểm. Công lớn nhất thuộc về nhóm ngân hàng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/12, VN-Index tăng lên mức 1488.88 điểm (phiên thứ Sáu tuần trước là 1,477.03 điểm). Khối lượng giao dịch đạt hơn 752 triệu đơn vị, tương ứng hơn 22.000 tỷ đồng. Toàn sàn có 259 mã tăng giá, 199 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu POW. Sau phiên xả bán ồ ạt cuối tuần trước, cổ phiếu này tiếp tục giảm sâu khi mở cửa phiên sáng nay, nhưng đã đột ngột đảo chiều và nới rộng đà tăng trong phiên giao dịch chiều. Kết phiên, mã này tăng 7% lên mức giá 18.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 32,86 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần hơn 1,1 triệu đơn vị.

Ngoài POW, hàng loạt mã nóng khác như ROS, LDG, DLG, YEG, TCH, CII cũng đã đảo chiều thành công và kết phiên trong sắc tím. HNG cũng nới rộng đà tăng và tiếp tục ghi nhận thêm 1 phiên tăng trần với khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 37,62 triệu đơn vị. ROS sôi động với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 31,3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,95 triệu đơn vị. Các mã khác như HQC, HAG, FLC, ITA, TTF… cũng lấy lại đà tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn “giậm chân tại chỗ” khi nhiều mã như HCM, VCI, TVS, VDS, AGR đang điều chỉnh, trong khi VND, SSI chỉ nhích nhẹ…

Nhóm thép được kỳ vọng khi có sự hồi phục vào tuần trước nhưng hôm nay lại gây thất vọng. Bên cạnh HPG và POM chỉ giảm 0,3%, các mã HSG, NKG, TLH, SMC đều giảm hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau 2 phiên liên tiếp cuối tuần trước điều chỉnh cũng đã hồi phục khá tích cực trong phiên hôm nay. Bên cạnh anh cả VIC tăng 2,6%, các mã khác như NVL, THD, PDR, VCG, KBC, KDH… cũng lấy lại sắc xanh.

Đặc biệt, nhiều mã cũng đã thiết lập lại sắc tím như DIG, TCH, LDG, CII, ROS… Trong đó, TCH kết phiên tăng 6,9% lên mức giá trần 29.550 đồng/CP và thuộc top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE, đạt 18,23 triệu đơn vị.

Giao dịch cổ phiếu của nhóm ngân hàng trong phiên hôm nay.

Giao dịch cổ phiếu của nhóm ngân hàng trong phiên hôm nay.

Vui nhất hôm nay có lẽ là các nhà đầu tư nhóm ngân hàng. Hầu hết các mã bank đều phủ sắc xanh. Trong đó, EIB (Eximbank) vẫn giữ phong độ “siêu sao”. Mã này đã tăng trần 6,9%, lên mức 33.350 đồng, tiệm cận mức đỉnh cao nhất kể từ khi niêm yết là 33.400 đồng/cp được xác lập vào ngày 4/6. Tuần trước, EIB cũng “gánh team” cho nhóm ngân hàng khi liên tục tăng giá trong toàn bộ 5 phiên giao dịch với tỷ suất sinh lời lên tới 20%.

Ở vị trí thứ hai ABB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình) và SSB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á) với mức tăng 6,7%. Tiếp sau là TPB (3,8%), PGB (2,9%), BVB (1,8%), VCB (1,7%). Các mã bank khác cũng đều có sự tăng trưởng nhẹ là ACB, BID, CTG, HDB, SHB, SGB, TCB…

Giải mã sức hút của EIB

Cổ phiếu EIB bật tăng từ hồi tháng 11, ngay sau khi xuất hiện tin đồn: Nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC – cổ đông chiến lược nước ngoài của nhà băng này. DOJI là tập đoàn tư nhân đa ngành, được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Những năm gần đây, Tập đoàn này liên tục lọt vào Top những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Cổ phiếu EIB liên tục tăng từ hồi tháng 11 tới nay.

Cổ phiếu EIB liên tục tăng từ hồi tháng 11 tới nay.

Năm 2020, DOJI chính thức mua lại Công ty TNHH Thế giới Kim cương (Diamond World). Đây là một trong những thương hiệu hàng đầu về phân phối kim cương. Hiện công ty này có 34 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại và siêu thị.

Ở lĩnh vực ngân hàng, DOJI cũng góp mặt với vai trò cổ đông lớn chiến lược của TPBank, nắm giữ 6,49% vốn. Theo báo cáo, nhóm cổ đông liên quan đến DOJI sở hữu ít nhất 19,9% vốn TPBank tại thời điểm 30/6/2021. Hiện ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT DOJI cũng đang là chủ tịch HĐQT TPBank; còn em trai ông Phú là ông Đỗ Anh Tú đang là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank.

Trước tin đồn mua lại 15% cổ phần EIB từ SMBC, đại diện DOJI đã bác bỏ thông tin. Tuy nhiên, trong giới vẫn không ngừng xôn xao về việc thay đổi cổ đông ở Eximbak. Thực tế, phía SMBC - định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại EIB. Bằng chứng là SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, một số nguồn tin không chính thức trên thị trường còn cho rằng SMBC sẽ “buông” Eximbank sau hơn 13 năm, để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank. Bởi theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Mặc dù chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược nhưng lãnh đạo VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng rất quan tâm.

Việc tăng giá của cổ phiếu EIB còn được cho là bắt nguồn từ báo cáo doanh thu quý III. Theo đó, mặc dù lãi trước thuế quý 3 giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (gần 412 tỷ đồng) nhưng nợ xấu cuối quý 3 đã cải thiện so với đầu năm. Tổng nợ xấu tại ngày 30/09/2021 chỉ còn 2,299 tỷ đồng, giảm 9%. Cơ cấu nợ xấu dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn sang nợ dưới tiêu chuẩn. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ mức 2.52% đầu năm xuống còn 2.18%.

Theo giải trình của Eximbank, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên các khoản thu nhập đóng góp chủ yếu vào kết quả kinh doanh của Ngân hàng đều giảm so cùng kỳ. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về khoản lãi hơn 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thu 7 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối quý 3 ghi nhận 162,526 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).
Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).

Eximbank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022 để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Đây cũng được cho là một sự kiện giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư vào mã cổ phiếu bank này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.