Chứng khoán tuần này: Nhịp điều chỉnh và tích lũy có thể kéo dài

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
13:47 - 01/10/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Khả năng các nhịp hồi phục sắp tới chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật đi kèm theo các nhịp điều chỉnh để dần hình thành nền tảng tích luỹ chặt chẽ, nhận định của các công ty chứng khoán về thị trường tuần này.

Trong tuần qua, VN-Index tiếp tục nối dài đà giảm từ 2 tuần trước đó và biên độ đã có sự mở rộng đáng kể. Cụ thể, hình ảnh của phiên sụt giảm ngày 18/08/2023 lặp lại khi chỉ số bất ngờ rũ bỏ gần 40 điểm ngay ngày đầu tuần. Diễn biến này ảnh hưởng tiêu cực khiến thị trường tiếp tục lùi sâu ở hai phiên tiếp theo trước khi lực cầu bắt đáy trở lại tại hỗ trợ là cận dưới của kênh giá tăng bắt đầu từ tháng 11/2022.

Tuy nhiên, nỗ lực hồi phục vẫn chưa có sự bứt phá khi đường SMA 100 ngày giờ đây đã trở thành mức cản kìm hãm chỉ số. Kết tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.154,15 điểm, giảm 38,9 điểm (-3,26%) so với tuần trước.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả ba sàn đạt 19.534 tỷ đồng, giảm 20,37% so với tuần trước. Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi tổ chức trong nước cùng khối ngoại chuyển sang trạng thái mua ròng sau thời gian dài duy trì bán ra. Nhà đầu tư cá nhân bán ròng trở lại sau giai đoạn dài mua ròng.

Khối ngoại tập trung mua ròng mạnh nhất ở HPG (165 tỷ đồng), SSI (129 tỷ đồng), VCB (113 tỷ đồng)… Ngược lại, bán ròng mạnh nhất ở STB với giá trị 184 tỷ đồng, kế đến là VCI (181 tỷ đồng), CTG (144 tỷ đồng)…

Top các cổ phiếu có ảnh hưởng nhất đến VN-Index. Nguồn: SHS
Top các cổ phiếu có ảnh hưởng nhất đến VN-Index. Nguồn: SHS

Với áp lực giảm điểm của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến kém tích cực nhất, ngoài NTL (+14%) tăng mạnh vượt đỉnh giá gần nhất thì đa số đều giảm mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như TCH (-14%), NHA (-14%), DRH (-13%), TDC (-12%), NBB (-11%), CEO (-11%)...

Nhóm chứng khoán nhiều mã chịu áp lực bán mạnh trong những phiên đầu tuần, kết thúc tuần ở mức giảm mạnh như VIX (-11%), WSS (-11%), PSI (-9%), VDS (-8), VND (-7%)... Ngược lại vẫn có các mã tăng giá như FTS (+8,21%), BSI (+5,26%), MBS (+4,59%)...

Các cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến kém tích cực khi hầu đều ở chiều giảm, như EIB (-8,4%), STB (- 6,8%), KLB (-6%), SHB (- 5,9%)... trừ một số mã như SSB (+5,3%), VPB (+2%)...

Nguồn: SHS

Nguồn: SHS

Cạn cung nhưng cầu vẫn thấp

Theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), mặc dù VN-Index có tuần điều chỉnh thứ 3 liên tiếp sau nỗ lực công phá vùng đỉnh liền kề thất bại nhưng các tín hiệu tích cực đang xuất hiện thông qua việc chỉ số đã thành công giữ vững được hỗ trợ là đường SMA 200 tuần, cận dưới của kênh giá tăng (bắt đầu từ tháng 11/2022) và mức đáy liền kề quanh 1.150 điểm. Điều này thể hiện áp lực bán đã hạ nhiệt đáng kể sau giai đoạn điều chỉnh trước đó và dòng tiền bắt đáy trở lại tại các mốc hỗ trợ quan trọng.

Ở khung ngày, chỉ số đang nỗ lực trở lại trên mức hỗ trợ đã bị xuyên qua là đường SMA 100 ngày. Cùng với đó, thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm trong tuần qua càng chứng tỏ thị trường khả năng cạn cung nhưng dòng tiền mua mới vẫn đang ngại giải ngân, thể hiện qua mặt điểm số vẫn chưa ghi nhận sự phục hồi rõ nét.

Hiện tại, TPS cho rằng VN-Index cần nhanh chóng vượt cản là đường SMA 100 ngày (quanh mức 1.160 điểm) để mở ra cơ hội giúp chỉ số hướng về mức 1.180 điểm hoặc xa hơn là ngưỡng tâm lý 1.200 điểm (nơi có sự hội tụ của đường SMA 20 và SMA 50 ngày). Ngược lại, nếu công phá mức cản trên không thành, chỉ số có khả năng điều chỉnh trở lại và hình thành đáy 2 ngắn hạn trước khi lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong tuần thứ 3 điều chỉnh, VN-Index đã có thời điểm thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.150 điểm, thậm chí đe dọa tới xu hướng uptrend khi kiểm định mốc 1.135 điểm. Tuy nhiên những nỗ lực phục hồi giúp thị trường chốt tuần giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

SHS cho rằng, thị trường trong ngắn hạn đang có nhịp điều chỉnh thứ 2 khi gặp ngưỡng cản 1.250 điểm. Nhịp điều chỉnh là cần thiết, tuy nhiên biên độ điều chỉnh vừa qua rộng hơn dự báo và làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn, do vậy sẽ cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới. Khả năng các nhịp hồi phục sắp tới chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật đi kèm theo các nhịp điều chỉnh để dần hình thành nền tảng tích luỹ chặt chẽ.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VDSC

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VDSC

Về tình hình vĩ mô, công ty chứng khoán cho biết tăng trưởng GDP trong quý 3 có sự cải thiện hơn các quý trước đó và là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên với việc GDP 9 tháng tăng 4,24% thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% đang gặp rất nhiều thách thức (ADB dự báo 5,8%, UOB dự báo 5,2%, IMF dự báo 4,7%).

Với tình trạng vĩ mô hiện tại, SHS nhận định nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định. Vì vậy, thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.

“Trong ngắn hạn, nhịp điều chỉnh và tích lũy trở lại của thị trường có thể còn kéo dài, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục với tỷ trọng thấp”, SHS khuyến nghị.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường có sự phục hồi trong phiên cuối tuần nhưng nhìn chung diễn biến vẫn thể hiện sự thận trọng của dòng tiền, thể hiện qua thanh khoản giảm về mức thấp. Thanh khoản thấp cũng cho thấy áp lực cung tạm thời chưa gây sức ép lớn cho thị trường.

Với trạng thái thăm dò cung cầu chưa rõ kết quả, VDSC cho rằng có khả năng thị trường sẽ dao động thăm dò tại vùng 1.150 – 1.165 điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 10 để tiếp tục kiểm tra cung cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp