Chương trình phục hồi KT-XH: Dành 110 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp

VĨ MÔ Việt nAM
13:08 - 04/01/2022
Chương trình phục hồi KT-XH: Dành 110 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ vừa trình Quốc hội, dự kiến sẽ có 110 nghìn tỷ được chi cho phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo trình bày của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến có quy mô khoảng 347 nghìn tỷ chia cho 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

5 nhóm nhiệm vụ cụ thể như sau: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng) và cuối cùng là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng chi cho phát triển hạ tầng viễn thông, internet, đổi mới và ươm tạo công nghệ, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trình bày dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trình bày dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý trong nhóm nhiệm vụ này có gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với quy mô dự kiến 110 nghìn tỷ. Theo đề xuất này, 64 nghìn tỷ từ các hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí; 40 nghìn tỷ từ gói hỗ trợ lãi suất trị giá 2%/ năm trong 2 năm (2022-2023) và 6 nghìn tỷ khác từ hỗ trợ cơ chế như gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022.

Nguồn chi cho gói hỗ trợ này dự kiến lấy trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ tài khóa trị giá 110 nghìn tỷ nói trên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn tiếp tục hưởng lợi từ các hỗ trợ tiền tệ và hỗ trợ khác. Chẳng hạn, từ phía chính sách tiền tệ, xem xét phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo thuận lợi cho nền kinh tế.

Gói hỗ trợ lãi suất cần ưu tiên doanh nghiệp có khả năng trả nợ

Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKT) Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Riêng về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong báo cáo thẩm tra, UBKT đề xuất hỗ trợ phải gắn với thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo. Với các dự án đầu tư chuyển đổi số, cần rà soát kỹ danh mục, chỉ đầu tư cho những dự án có tính lan tỏa. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ cải thiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giải quyết ngay các vướng mắc trong quy định về việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ trong 2 năm lấy trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước, UBKT khuyến nghị cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng.

Đồng thời, cần chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua… Cần quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn, song song kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Ảnh tác giả

"Về chính sách hỗ trợ lãi suất, đa số ý kiến nhất trí; tuy nhiên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ về gói hỗ trợ lãi suất ước tính giá trị khoảng 20 nghìn tỷ đồng mỗi năm, kéo dài trong 2 năm (2022-2023) để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về bản chất, gói hỗ trợ lãi suất này là việc Chính phủ dùng ngân sách để hỗ trợ một phần lãi suất cho vay tại các ngân hàng, từ đó giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Việc thực hiện gói này sẽ kèm theo hạn chế về đối tượng hỗ trợ cho vay trong một số lĩnh vực ngành nghề cụ thể, trong đó tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt các đối tượng vay không có nợ xấu.

Bộ Tài chính kỳ vọng việc bơm một lượng tín dụng giá rẻ ra nền kinh tế thông qua gói hỗ trợ lãi suất sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng, tạo việc làm, nâng cao tăng trưởng kinh tế, qua đó giảm bội chi ngân sách trong những thời kỳ sau đó.

Về quan điểm, định hướng sơ lược tại dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban kinh tế về cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, đề nghị xác định rõ và bổ sung 2 quan điểm. Đầu tiên, việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển. Thứ hai, nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022-2023).

Về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Ủy ban kinh tế nhận định một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Do đó, đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.