Chuyện dài kỳ của doanh nghiệp Nhà nước

DOANH NGHIỆP Việt nAM
18:33 - 24/03/2022
Chuyện dài kỳ của doanh nghiệp Nhà nước
0:00 / 0:00
0:00
“Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo các báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngày 24/3, nhiều DNNN đến nay vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề tồn tại như nợ và thua lỗ, tính hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh… và rất cần cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để phát huy tốt hơn vai trò được kỳ vọng trong nền kinh tế.

Vẫn là câu chuyện dài kỳ của DNNN

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng một lần nữa đề cập đến tồn tại lâu năm của các DNNN: nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ... nhưng chưa thể phát huy đầy đủ vai trò động lực, dẫn dắt nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của DNNN, tạo khung khổ pháp lý để các DNNN tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

DNNN cũng là khu vực đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế…

Ngoài ra, DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; đồng thời đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ KH&ĐT, vốn đầu tư của khối DNNN chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2021.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Ảnh tác giả

“Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam".

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Đồng thời, hiệu quả hoạt động của DNNN cũng được đánh giá là chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. DNNN nhìn chung đang có chỉ số nợ cao trong các loại hình doanh nghiệp và chỉ hoạt động hiệu quả ở một số ít ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính - ngân hàng.

Ngoài ra, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức, chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, vươn ra quốc tế.

Cần những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN

Những vấn đề các DNNN phản ánh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với Thủ tướng Chính phủ vẫn quanh quẩn trong những tồn tại đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra.

Chẳng hạn, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) cho biết quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 và 2016-2021 cho đến nay vẫn chưa xử lý được một số nội dung quan trọng như dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, thoái vốn tại Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai và cơ cấu lại các đơn vị lâm nghiệp VINAPACO.

Cụ thể, VINAPACO báo cáo đã triển khai công tác bán đấu giá tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam nhưng không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá. Ngoài ra phương án xử lý dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam gắn liền với dự án đầu tư khu đô thị sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao đến nay vẫn chưa được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc thoái vốn 202 tỷ đồng tại Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai và cơ cấu lại 15 đơn vị lâm nghiệp tại các tỉnh phía Bắc cũng gặp nhiều khó khăn.

Hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho biết có 3 đơn vị của tập đoàn bao gồm Công ty CP DAP số 2, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đang nằm trong diện khó khăn do chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn trên doanh thu.

Cụ thể, tỷ lệ chi phí tài chính so với doanh thu của 3 công ty lần lượt là Đạm Hà Bắc 33,8%; Đạm Ninh Bình 24,2%; DAP số 2 là 21,9%.

Nghị Quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã khẳng định: “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Trên tinh thần này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực cho DNNN, để khu vực này phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí trong nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.