Chia sẻ tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, chiều ngày 12/9, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, tổng thể nền kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng tốt. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy bức tranh của doanh nghiệp có nhiều điểm sáng.
Tuy nhiên cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại. Do đó, trong thời gian tới, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ giúp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế.
"Đây là bài học cực kỳ quan trọng, Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục 'bơm máu' cho nền kinh tế", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nói về yếu tố quan trọng cho tăng trưởng Việt Nam thời gian tới, ông khẳng định cần phải cân đối 3 yếu tố đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn. Theo ông nhìn nhận, căng thẳng về room tín dụng gần đây không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa.
Trong dài hạn, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị cần đánh giá tính bất định, bất trắc cao hơn, đặc biệt là Trung Quốc bởi đây là thị trường quan trọng. Ông đề cập đến một số vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như thị trường bất động sản đang không phục hồi được, hạn hán nhiều,...
Ngoài ra, phải nhìn thấy được cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều vấn đề như khủng hoảng về năng lượng, lương thực… Đây cũng có thể là cơ hội để nhận diện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, khu vực này. Khi thế giới đang gặp khó khăn, chúng ta không nên chỉ nhìn khía cạnh gay go mà ở cả khía cạnh tích cực, để có chính sách hỗ trợ các khu vực có thể giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.
Không chỉ nên lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu, bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu. Không bơm tiền chưa chắc đã giảm được nợ xấu, bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt mới đem lại được kết quả tích cực.
Cần đổi mới mô hình tăng trưởng
Đồng quan điểm, phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ sự thận trọng, không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay. Bởi nếu phân tích kỹ mục tiêu tăng trưởng trong cả nhiệm kỳ, năm ngoái 2,5%, năm nay 7,5% thì qua 2 năm mới đạt 5,5%. Trong khi đó, mục tiêu của cả nhiệm kỳ đặt ra là tăng trưởng 6,5-7%. Như vậy trong 3 năm còn lại, Việt Nam phải nỗ lực rất lớn.
Trong khi đó, những động lực tăng trưởng như xuất khẩu, FDI có dấu hiệu giảm. Đầu tư nhà nước có cải thiện đều nhưng không có những thay đổi, đầu tư vào tư nhân cũng như thế. TS. Nguyễn Đình Cung cũng cảnh báo những khó khăn tiềm ẩn khi động lực cho thời gian sắp tới không nhiều tích cực.
Để duy trì và phục hồi động lực tăng trưởng, nhìn trong tương lai dài hạn 5-7 năm tới, nếu chúng ta đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao toàn bộ nhiệm kỳ tăng trưởng 6,5-7%, thì cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng khác, đó là động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế.
Cụ thể, động lực tăng trưởng của miền Đông Nam bộ và khu vực sông Hồng chiếm 60% GDP, nên nếu tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng 2 vùng này lên mức 9-10% thì cả nước sẽ tăng trưởng 7-8%. "Cái này hoàn toàn nằm trong tầm tay", ông Cung nhận định.
Vì vậy phải có một hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư mới để thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào những vùng đô thị phát triển, chứ không phải vào vùng sâu, vùng xa. Đó là cách chúng ta tạo động lực tăng trưởng, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng.
"Chỉ khi 2 đầu của đất nước đổi mới mô hình tăng trưởng thì cả Việt Nam mới đổi mới mô hình tăng trưởng còn nếu không chúng ta sẽ giậm chân tại chỗ, tái cơ cấu, tái cơ cấu và tái cơ cấu nói mãi vẫn không tái được", ông Cung nhấn mạnh.
Mới đây, bộ KH&ĐT cũng đã công bố dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Các hoạch định ban đầu về các hành lang kinh tế và vùng động lực kinh tế đã được đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia. Theo đó, với các hành lang kinh tế Bắc - Nam, sẽ có hành lang kinh tế phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A đến Cà Mau (tham gia Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore). Đây chính là hành lang có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là hành lang kinh tế liên vùng, kết nối hầu hết các cực tăng trưởng trên phạm vi quốc gia.
Trong khi đó, Hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Tây sẽ gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Tuy nhiên, đây là hành lang kinh tế được xác định cho tầm nhìn dài hạn, sau năm 2030.
Với các hành lang kinh tế Đông - Tây, sẽ có những hành lang ưu tiên tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực, trong đó có hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Các hành lang khác cũng sẽ được ưu tiên phát triển là Cầu Treo - Vũng Áng, Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn...
Trong khi đó, với các vùng động lực, ngoài tam giác động lực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tứ giác động lực phía Nam TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, thì khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang… cũng được xác định là các vùng kinh tế động lực.
Trong định hình không gian phát triển quốc gia, các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên có một vị trí quan trọng. Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia xác định rõ, trên cơ sở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sẽ lựa chọn địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, sân bay quốc tế, khu kinh tế ven biển, có tiềm năng phát triển mạnh công nghiệp, du lịch, dịch vụ để hình thành vùng động lực.