Chuyên gia: Nguồn tiền đang bị rút nên VN-Index sẽ trở về mức quanh 1.200 điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
10:26 - 07/08/2022
Chuyên gia: Nguồn tiền đang bị rút nên VN-Index sẽ trở về mức quanh 1.200 điểm
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS Quách Mạnh Hào, giá chứng khoán chỉ liên quan phần ít đến số liệu kế toán doanh nghiệp, còn phần lớn phụ thuộc vào triển vọng, nguồn tiền. Vì vậy khi dòng tiền vào không còn dồi dào, thị trường chung sẽ đi xuống, cổ phiếu tốt cũng khó bật tăng.

Tại Hội thảo Triển vọng thị trường tài chính: Cơ hội và thách thức do Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 6/8, các chuyên gia đều đồng thuận với nhận định nguồn tiền đang bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và đây chính là trở ngại lớn để VN-Index chinh phục lại mức đỉnh cũ.

Tỷ giá là nỗi lo lớn

Phân tích từ kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện tại, ông Trần Ngọc Báu - Founder & CEO của WiGroup cho biết, với nền kinh tế phục hồi sau đại dịch thì phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi Việt Nam có độ mở kinh tế cao. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu sử dụng các công cụ điều hành như tỷ giá, lãi suất để ổn định thị trường.

Từ quan điểm chính sách tiền tệ bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ giá và tăng trưởng kinh tế, ông Báu đã có những lập luận, phân tích để cho thấy hiện tại đâu là vấn đề đáng quan ngại nhất có thể tác động mạnh đến điều hành của NHNN.

Thứ nhất là về lạm phát. Bắt đầu từ Mỹ, câu hỏi đặt ra là khi nào lạm phát dừng lại? Theo ông Báu, người Mỹ chi tiêu nhiều cho nhà ở, xe cộ, giải trí, vì vậy bị ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu. Còn nhu cầu thực phẩm chỉ chiếm 14%. 5 tháng qua, giá nhà vẫn tăng nhưng tốc độ chậm lại. Giá năng lượng cũng đã đảo chiều. Và 1 tháng gần đây người dân Mỹ không còn quan tâm đến lạm phát. “Tôi cho rằng lạm phát ở Mỹ lập đỉnh trong tháng 7 hoặc tháng 8, 9 và giảm dần”, CEO WiGroup cho biết.

Về tăng trưởng kinh tế, 2 quý gần đây, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm. Nhưng theo ông Báu cách tính của Mỹ khác với Việt Nam khi so sánh với quý liền kề trước chứ không so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng trong quý 3, quý 4 năm 2021, vậy nên sang quý 1, quý 2 năm nay bị hụt hơi chứ so với cùng kỳ năm trước thì vẫn tăng trưởng dương.

Theo ông Báu, một nền kinh tế bước vào suy thoái là khi cả YoY (so với cùng kỳ năm trước) và QoQ (so với quý liền kề trước) đều âm. Nhưng sang quý 3 và quý 4, sự suy thoái tại Mỹ có thể định hình rõ hơn. “Trong lịch sử, khi kinh tế đã bước vào suy thoái thì không bao giờ FED tăng lãi suất. Vì vậy có thể thấy rằng, room tăng lãi suất của FED hiện tại đã sắp cạn. Các tổ chức tài chính, đầu tư lớn cũng đang đặt cược rằng lãi suất trong 2-3 năm tới sẽ dừng ở 3%, và từ 2023 sẽ đảo chiều giảm dần. Theo kịch bản này thì room tăng lãi suất của FED chỉ còn 0,5-1% nữa”, vị chuyên gia phân tích.

Tại Việt Nam, theo ông Báu, lạm phát và tăng trưởng kinh tế không phải là vấn đề đáng lo. Bởi CPI của Việt Nam ảnh hưởng chính bởi ăn uống, nhà ở, giao thông và giáo dục. Trong khi đó, giá lợn sẽ không thể tăng đột ngột như năm 2020 được. Giá xăng dầu cũng đang có xu hướng giảm. Mặc dù cho rằng áp lực lạm phát sẽ rất cao từ tháng 9 nhưng ông Báu cho rằng lạm phát cả năm chỉ khoảng 3,6%, đạt mục tiêu thấp hơn 4%.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Ngọc Báu, vấn đề đau đầu nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện tại là tỷ giá. Trong bối cảnh giá USD tăng mạnh khiến các đồng tiền khác đều mất giá, Ngân hàng Nhà nước phải lựa chọn giữa ổn định tỷ giá hay độc lập chính sách tiền tệ. Và ổn định tỷ giá là giải pháp được chọn, đồng nghĩa với việc phải hút tiền về trên mọi mặt trận.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 7, tỷ giá USD/VNĐ đã tăng 2,4%. Để bình ổn đồng USD thì từ đầu năm đến nay, NHNN đã phải bán kỳ hạn hơn 10 tỷ USD ra thị trường, con số này tương đương khoảng 10% dự trữ ngoại hối Việt Nam; đồng thời hút về lượng tiền Đồng tương ứng xấp xỉ 250.000 tỷ.

Chứng khoán Việt Nam hiện đã trải qua giai đoạn khủng hoảng về thanh khoản. Tại điểm cân bằng có thể kéo dài hàng tháng, khi tin xấu đã không còn. Tuy nhiên trong vòng 1 năm tới không thể kỳ vọng thuận lợi như 2020-2021. Vì dòng tiền đã không còn dồi dào như 2 năm trước.CEO WiGroup Trần Ngọc Báu

Để tăng thêm công cụ can thiệp tỷ giá, NHNN cũng đã chính thức hoạt động lại kênh tín phiếu sau hơn 2 năm buông kênh này với chủ ý duy trì nền lãi suất liên ngân hàng ở mặt bằng thấp. Chỉ trong 2 tuần, NHNN đã hút về hơn 120.000 tỷ đồng từ hệ thống. Việc hút bớt lượng tiền dư thừa sẽ đẩy lãi suất liên ngân hàng lên vùng mục tiêu và giảm chênh lệch âm trong lãi suất cho vay USD và VND trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giảm bớt việc đầu cơ tỷ giá tại hệ thống.

Tuy nhiên đây không phải bài toán xử lý dứt điểm vấn đề cốt lõi của việc căng thẳng tỷ giá mà chỉ xử lý phần ngọn. Vậy nên nếu trong thời gian tới tỷ giá tiếp tục tăng thì điều khó tránh khỏi là NHNN phải tiếp tục phát hành tín phiếu để hút tiền về và nâng dần lãi suất tín phiếu lên mức đủ cao, để tạo nền mới cho lãi suất liên ngân hàng VND.

Theo ông Báu, hành động của NHNN khả năng sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ quý 2/2022 và có thể kéo dài đến quý 4/2022: Một mặt chấp nhận thắt chặt ở thị trường 2 để ổn định tỷ giá (phần ngọn). Một mặt chủ động ghìm đà tăng của lãi suất ở thị trường 1. Chủ yếu kéo dài thời gian để chờ lạm phát Mỹ lập đỉnh, áp lực tăng lãi suất của FED giảm, yếu tố kỳ vọng giảm, áp lực dòng chảy vốn giảm bớt…

Giai đoạn 2 từ cuối quý 4/2022: Lãi suất của FED lập đỉnh, có thể FED cũng sẽ phải quay trở lại với chu kỳ nới lỏng mặc dù chậm chạp, áp lực dòng vốn lên Việt Nam không còn. Áp lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng là bài toán khó với Việt Nam khi các nền kinh tế lớn đều đứng trước ngưỡng cửa suy giảm. Bối cảnh đó sẽ lại thúc đẩy NHNN sớm trở về với thời kỳ nới lỏng và đó lại là thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

Điều chỉnh kỳ vọng nếu muốn đi dài

Trong khi đó, ông Trần Lê Minh - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của CTCP Quản lý quỹ Dragon Capital cũng cho rằng, thị trường chứng khoán không còn được dòng tiền ủng hộ khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Lãi suất sẽ tăng mạnh vào cuối năm, nhưng sẽ không thấy nhiều biến động trên thị trường. Việc NHNN bắt đầu tăng lãi suất điều hành, lãi suất liên ngân hàng tăng, lãi suất huy động tăng sẽ không thuận lợi cho chứng khoán. Vì vậy, phải chấp nhận thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng.

Vậy khi nào ngân hàng sẽ thay đổi chính sách? Theo ông Minh, trong quá khứ, NHNN chỉ nới lỏng khi giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. “Khi nào Nhà nước trích lập quỹ xăng dầu trở lại, tăng lại thuế môi trường là ngân hàng sẽ nới lỏng”, ông Minh nêu thực tế.

Động lực đằng sau sự thăng hoa của thị trường chứng khoán 2 năm qua là dòng tiền dày. Nhưng hiện tại, chu kỳ đang bị đảo ngược, tiền đang mỏng thì cái gì cũng phải xuống giá. Thực tế, tiền vay margin, tiền gửi trong tài khoản chứng khoán đều đã giảm. Ông Trần Lê Minh

Trên quan điểm cá nhân bằng kinh nghiệm đầu tư từ năm 2003, ông Minh nhận định hiện tại là giai đoạn điều chỉnh kỳ vọng về lợi nhuận nếu muốn đi dài. Lãi suất 13-14%/1 năm là đã đạt kỳ vọng. Đừng nhìn vào những năm 2020-2021 vì trong lịch sử chỉ có 1-2 lần như vậy và sẽ không lặp lại sớm. Bản thân ông Minh cũng đang giữ 100% tiền mặt, sẵn sàng bỏ qua đầu tư 1 năm để tránh đau đầu về những biến động thị trường.

VN-Index sẽ trở về mức vốn có

Trên quan điểm của người đầu tư tài chính, TS Quách Mạnh Hào - Giảng viên tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh cho biết ông quan tâm đến rủi ro nhiều hơn. Số liệu kế toán chỉ phản ánh một phần sự thật, cộng với sai số “là cái người ta muốn”. Định giá doanh nghiệp dựa vào số liệu kế toán cộng với triển vọng tương lai. Còn ra thị trường, thị giá chứng khoán dựa vào nguồn tiền, định giá doanh nghiệp, tâm lý. Giá chứng khoán chỉ liên quan phần ít đến số liệu kế toán, còn phần lớn phụ thuộc vào triển vọng, nguồn tiền.

Với quan điểm đó, ông Hào cho rằng tiền vào thị trường nhiều thì chứng khoán lên, tiền ít thì thị trường giảm. Ông nhận thấy rủi ro lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay là nguồn tiền đang bị rút ra. Tăng lãi suất chưa diễn ra nhưng thắt chặt tiền tệ là có. Thực tế trong 2 năm qua, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy xuất sắc nhưng chứng khoán phi mã, chủ yếu do dòng tiền bơm vào. Khi dòng tiền rút ra thì chứng khoán sẽ trở về giá trị ban đầu.

VN-Index sẽ trở về mức vốn có quanh 1.200 điểm. Và thị trường khả năng sẽ xoay quanh ngưỡng này trong 1 năm tới, cho đến khi NHNN giảm thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trong quá trình rút tiền khỏi thị trường thì VN-Index có thể tạo ra các bước sóng, như trong 2 tuần vừa qua. Và đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư ngắn hạn. TS Quách Mạnh Hào

Về tầm nhìn đầu tư đường dài, ông Hào cho rằng cần nhìn vào chính sách tiền tệ. Bởi thực tế như giai đoạn vừa qua, P/E thấp, doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn không chạy. Điều may mắn là Việt Nam đã đi trước đón đầu với các giải pháp nhanh chóng như giảm giá xăng, bình ổn thị trường thịt lợn… Đây là tín hiệu tốt để kỳ vọng về mặt chính sách tiền tệ về lâu dài.

Trong giai đoạn tiền khó, TS Quách Mạnh Hào khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu tốt. Đó là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững từ 5 năm, bởi mọi sự đột biến đều tiềm ẩn rủi ro. Còn nếu đầu tư ngắn hạn, vị chuyên gia cho rằng nên quan sát về dòng tiền, những ngành xã hội đang quan tâm. Trong các con sóng, ông Hào đều nhận thấy sự góp mặt của các ngành chủ chốt là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.