PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: VGP |
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong thời kỳ chống dịch Covid-19, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và lắng nghe các doanh nghiệp; đồng thời đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời.
Ông Công cho biết, khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, các đại sứ quán nhiều nước trên thế giới - nơi có các doanh nghiệp FDI của họ tại Việt Nam, liên quan đến khó khăn về dịch bệnh.
VCCI đã đề xuất với Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo việc triệu tập Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc. Đây là một Hội nghị rất lớn, quy mô toàn quốc; là “cuộc giải vây ngoạn mục” cho doanh nghiệp lúc bấy giờ.
Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp; đưa ra 3 quyết sách rất lớn. Một là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “zero-Covid” sang thích ứng, linh hoạt. Hai là tổ chức tiêm vaccine trên cả nước kịp thời. Ba là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Những quyết sách này đã giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy trong sản xuất.
Chúng ta cũng có một giai đoạn đứt gãy ngắn nhưng so với thế giới, Việt Nam đã làm rất tốt. Sự đứt gãy là không lớn, do đó việc phục hồi sẽ rất nhanh và sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Ảnh: VGP
Tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong nền kinh tế thị trường việc bảo đảm thông mạch có ý nghĩa rất quan trọng, bao gồm thông hàng và thông tiền. Năm 2021, Chính phủ rút ra được bài học thấm thía này nên đã lo được cả hai việc.
Đến hiện tại, theo vị chuyên gia, bài học đó vẫn cần ứng dụng "để làm sao thông tiền cho nền kinh tế". Ông Thiên nhận định, sau 2 năm đại dịch, doanh nghiệp rất khát vốn, trong khi thời gian qua bị ngưng nhiều chiều. Bài toán đặt ra là có tiếp tục bơm vốn không trong khi lạm phát cũng là nguy cơ thường trực, lãi suất thế giới cao ảnh hưởng đến tỷ giá?
“Nhưng lúc này không tập trung cứu doanh nghiệp thì nền kinh tế có nguy cơ đánh mất thành quả và chậm nhịp, lỡ thời cơ. Việc tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp phải tập trung hàng đầu, căn cứ vào dự án cụ thể chứ theo thủ tục hành chính chung thì rất khó. Lúc tình thế bất thường phải hành động khác thường mới được”, PGS Thiên nêu ý kiến.
Chính phủ gần đây đặt ra mục tiêu làm sao để tiền đầu tư công bơm ra được cho nền kinh tế. Ông Thiên cho rằng, tới đây phải tập trung quyết liệt.
Thứ hai là cấu trúc thị trường tài chính, nếu cứ trăm sự đổ vào ngân hàng vốn có vai trò cung vốn ngắn hạn thì không ổn. Do đó, thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp phải làm sao phát triển phù hợp, thông suốt để đỡ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Chính phủ đã có tiếp cận rất mạnh nhưng còn phải thảo luận và chỉnh sửa để một mặt giữ cho nền kinh tế ổn định một mặt tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Đồng quan điểm, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng nhận định vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã đói vốn thì là lúc đó họ không còn mong đợi một bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là được. Như gói ưu đãi lãi suất, nếu không kịp thời thì doanh nghiệp không thể đợi được.
“Tôi cho rằng bài toán về vốn vừa là điểm nghẽn vừa là điểm nóng, là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế hiện tại. Đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những "cú phanh gấp", những chính sách không lường trước được. Vì vậy phải rất khéo léo để giải bài toán này. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt để vượt qua được thách thức”, ông Công nói.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp đang rất lớn
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền.
Ông Tùng chia sẻ: “Tập đoàn công nghệ CMC là doanh nghiệp lớn, có hệ thống quản trị tốt, hệ thống tài sản cũng như kế hoạch kinh doanh tốt nên chúng tôi thực sự không gặp khó khăn khi làm việc với ngân hàng để vay vốn. Nhưng đối với các doanh nghiệp là khách hàng của CMC, tôi lại nhìn thấy bài toán khác. Năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch kém hơn nên họ rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”.
Ông Hồ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: VGP |
Tổng Giám đốc CMC cho rằng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình thúc đẩy khai thông nguồn vốn. Bên cạnh đó là chính sách hành chính vì doanh nghiệp khi xin một giấy phép nào đó, quy trình và thủ tục vẫn luôn là bài toán đau đầu nhất, gây ức chế rất lớn.
“Chúng ta cần giải pháp, cần có tư tưởng như chiến binh trong thời gian Covid-19, các bên ngồi với nhau và tìm ra hướng giải quyết và ra kết quả”, ông Tùng nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chia sẻ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định.
Vì vậy, Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu.
Theo bà Diễm, đối với ngành ngân hàng, điểm nghẽn cần tháo gỡ hiện tại chính là giải quyết đồng vốn và thủ tục pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Vì lĩnh vực này rất hạn chế nhưng nếu không khơi thông nguồn vốn thì nền kinh tế sẽ rất khó phát triển.
Điểm nghẽn thứ hai là hành lang pháp lý đối với công tác chuyển đổi số. Đối với những công ty tài chính, đối với những ứng dụng công nghệ, ngân hàng rất cần những hành lang pháp lý để ổn định trong quá trình phát triển hệ thống.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc Sacombank, những định hướng xuyên suốt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đều được các ngân hàng ủng hộ và hưởng ứng. Tuy nhiên có thực trạng là giữa những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước đi vào thực tế còn có một khoảng cách. Như việc doanh nghiệp rất ngại tiếp cận gói hỗ trợ do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm. Vì vậy bà Diễm cho rằng cần quan tâm, chú trọng việc triển khai giữa nghị định, chính sách và thực tế.