Cơ hội nào cho cổ phiếu dầu khí 'tạo sóng' nửa cuối năm 2022

DẦU KHÍ CHỨNG KHOÁN
13:13 - 24/06/2022
Cổ phiếu dầu khí là một trong những nhóm dẫn dắt thị trường thời gian qua.
Cổ phiếu dầu khí là một trong những nhóm dẫn dắt thị trường thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu dầu khí đã tạo nhiều đợt sóng lớn; hàng loạt mã đua nhau vượt đỉnh như BSR, PVS, PVD, GAS, OIL… Trong 6 tháng cuối năm, liệu nhóm này có còn tiếp tục được hưởng lợi khi giá dầu được dự báo vẫn sẽ leo cao?

Sau khi tạo đỉnh vào tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng trải qua một đợt sụt giảm mạnh theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường. Khi thị trường hồi phục vào giữa tháng 5, nhóm này lại bứt phá mạnh và hiện tại cũng điều chỉnh theo sự suy giảm của chỉ số VN-Index. Vì vậy, nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về việc liệu thời gian tới, dòng dầu khí có thể tiếp tục tạo sóng khi thị trường hồi phục hay không.

Giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng

Cổ phiếu dầu khí thường chạy theo giá dầu. Vì theo nguyên lý đầu tư cơ bản, khi mặt hàng khan hiếm, tăng giá, các doanh nghiệp sản xuất liên quan đều hưởng lợi. Vì vậy, nhà đầu tư cũng thường quan sát giá dầu cũng như phân tích, nhận định diễn biến để quyết định có xuống tiền vào nhóm cổ phiếu này không.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index ngày 23/6 là 5.524 điểm. Đây là chỉ số đo lường sự biến động của 5 mặt hàng chính trong nhóm năng lượng đang được liên thông giao dịch với thị trường thế giới: Dầu thô WTI (NYMEX), dầu thô Brent (ICE EU), dầu ít lưu huỳnh (ICE EU), xăng pha chế RBOB (NYMEX) và khí tự nhiên (NYMEX).

So với mức đỉnh 6.124 điểm ngày 9/6, chỉ số MXV-Index đã giảm nhưng so với cuối năm 2021 đã tăng 50% so cuối năm 2021, phản ánh xu hướng tăng rất mạnh trên thị trường năng lượng trong năm qua. Sáng 24/6, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 105,13 USD/thùng, giá dầu Brent đứng ở mức 110,69 USD/thùng; sau khi giảm từ mức 121,51 và 123,07 USD/thùng từ 9/6.

Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trên Sở giao dịch ICE EU sẽ đạt trung bình 140 USD/thùng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, so mức 125 USD/thùng trong dự báo trước. Trong dài hạn, Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ đạt trung bình 135 USD/thùng trong 6 tháng cuối năm 2022.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đồng loạt nâng các dự báo giá xăng, dầu và khí đốt. Theo đó, giá dầu Brent được EIA dự báo sẽ đạt hơn 111 USD/thùng trong quý 3, so mức 104 USD/thùng trong dự báo trước. Vào quý 4, EIA tăng dự báo giá dầu từ 101 lên 105 USD/thùng. Dự báo của EIA dựa trên việc đánh giá sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2022 đến cuối năm 2023. Mức giảm này lớn hơn nhiều so mức tăng sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ và động thái xả kho dự trữ của Mỹ.

Là một trong những ngân hàng thường đưa ra nhận định thấp nhất về giá dầu trong thời gian vừa qua, Citibank cũng vừa nâng các dự báo giá dầu trong quý 3 và quý 4 năm nay. Theo đó, giá dầu Brent dự báo sẽ đạt 99 USD/thùng vào quý 3 và đạt 85 USD/thùng vào quý 4 năm nay, tăng 12 USD/thùng so dự báo trước.

Trước dự báo giá dầu tiếp tục tăng, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett vẫn đặt niềm tin rất lớn vào các cổ phiếu dầu khí. Theo hồ sơ gửi lên Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), từ ngày 17/6 đến 22/6, Berkshire đã chi 529 triệu USD để mua thêm gần 9,6 triệu cổ phiếu của Occidental Petroleum. Tập đoàn của Buffett hiện sở hữu 16,3% cổ phần của Occidental, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty dầu khí này.

Nhờ giá dầu thô tăng vọt, cổ phiếu Occidental Petroleum đã tăng 92% trong năm nay và là mã có mức tăng ấn tượng nhất S&P 500. Ngoài ra, Buffett và đội ngũ đầu tư của mình còn đầu tư vào công ty dầu khí Chevron. Tại cuộc họp cổ đông thường niên mới đây, Berkshire tiết lộ rằng Chevron là một trong những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất tính đến hết quý 1/2022. Họ sở hữu gần 26 tỷ USD cổ phần của Chevron, chỉ xếp sau Apple, Bank of America và American Express vào thời điểm đó.

Cơ hội đầu tư nhưng cần thận trọng

Trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những nhịp điều chỉnh chung theo thị trường thế giới. Tuy nhiên sẽ tích lũy phục hồi sau đó, với kịch bản cơ bản chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng điểm 1.165 -1.365 với mức P/E forward tương ứng từ 11/4 đến 13/3.

Trong kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ quay về vùng đỉnh 1.400 - 1.550 điểm với thanh khoản bình quân 21.000 - 25.000 tỷ đồng mỗi phiên. Còn trong kịch bản thận trọng, chỉ số vẫn ở vùng 1.080 - 1.150 điểm với thanh khoản 12.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên.

Theo PSI, cơ hội đầu tư trong nửa cuối năm 2022 sẽ đến từ nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề phòng thủ như nhóm ngành năng lượng, tiêu dùng với đặc tính thiết yếu, ít biến động so với chu kỳ kinh tế và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát như dầu khí. Giá dầu tăng mạnh là cơ hội đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dịch vụ, phân phối, và chế biến dầu khí.

Nằm trong nhóm cổ phiếu dầu khí, BSR vừa trải qua một đợt tăng giá mạnh và chinh phục mức đỉnh mới. SSI

Nằm trong nhóm cổ phiếu dầu khí, BSR vừa trải qua một đợt tăng giá mạnh và chinh phục mức đỉnh mới. SSI

Tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích (Chứng khoán VNDirect) cũng cho biết dầu khí là một trong 3 nhóm ngành có sự tăng trưởng vượt trội, cùng với nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ (điện nước, phân phối gas, bảo hiểm) và nhóm được hưởng lợi từ việc nền kinh tế bình thường trở lại sau đại dịch (bán lẻ, vận tải).

Mặc dù thị trường từ đầu năm tới nay đã qua 2 đợt điều chỉnh mạnh nhưng bà Hiền vẫn có quan điểm lạc quan khi cho rằng câu chuyện tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn. Nền kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng và phục hồi thuộc diện ấn tượng nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số. VNDirect ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường khoảng 20%. Cùng với đó là câu chuyện về nâng hạng, dòng vốn nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ.

Như vậy, dự báo từ thế giới và trong nước đều đang ủng hộ cho nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên trong bối cảnh dòng tiền đang không ưu ái cho thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng. Đặc biệt là khi nhóm cổ phiếu dầu khí rất dễ bị tác động bởi giá dầu.

Theo bà Trần Khánh Hiền, việc lựa chọn cổ phiếu phòng thủ sẽ giúp nhà đầu tư an toàn hơn khi thị trường chưa rõ xu hướng. Một số đặc điểm nhận diện các cổ phiếu này đó là sử dụng tỷ lệ đòn bẩy thấp do có dòng tiền dồi dào ổn định, có lịch sử chi trả cổ tức ổn định. Cùng với đó, beta của các cổ phiếu này thấp hơn so với trung bình toàn thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.