Phản ứng của chứng khoán Việt sau những đợt Fed tăng lãi suất

FED VN INDEX
00:39 - 20/06/2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều khi Fed tăng lãi suất?
Thị trường chứng khoán Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều khi Fed tăng lãi suất?
0:00 / 0:00
0:00
Trong tuần qua, chứng khoán Việt Nam đi xuống đồng pha với chứng khoán Mỹ, trước động thái tăng lãi suất từ Fed. Điều này khiến không ít nhà đầu tư lo ngại vì để kiềm chế lạm phát, cơ quan này sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Chịu ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ trong nước nhiều hơn

Phố Wall vừa ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây, do tâm lý thị trường bất an với khả năng suy thoái kinh tế ngày càng tăng. Lạm phát tăng cao liên tục đã khiến tâm lý giới đầu tư ngày một căng thẳng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hầu hết các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu chuyển hướng từ các chính sách tiền tệ nới lỏng sang các biện pháp thắt chặt, vốn sẽ khiến nền kinh tế chậm lại, có thể gây ra suy thoái.

Trong nước, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái đồng pha với Fed nhưng tâm lý bi quan cũng bao trùm thị trường, thể hiện ở việc chỉ số VN-Index lại rơi sâu hơn 66 điểm. Vậy trong bối cảnh Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7, chứng khoán Việt Nam liệu có phải đối mặt với một nhịp giảm nữa? Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại những lần Fed tăng lãi suất trong quá khứ và phản ứng của thị trường.

Từ năm 2004 đến 2007, Fed tăng lãi suất từ mức 1% lên 5% nhưng VN-Index tăng từ 200 lên 1.200 điểm.

Từ giữa năm 2007 đến cuối 2008, Fed hạ lãi suất từ 5% xuống 0% thì VN-Index giảm từ 1.200 về 200 điểm.

Giữa 2008 đến 2015, lãi suất của Fed duy trì mức 0%, VN-Index cũng đi ngang.

Các số liệu trên cho thấy quan điểm “Fed tăng lãi suất thì VN-Index giảm và Fed hạ lãi suất thì VN-Index tăng” là không chính xác ở giai đoạn từ 2004 đến 2015.

Thực tế trong giai đoạn này, VN-Index vận hành theo lãi suất của chính sách tiền tệ Việt Nam chứ không đi theo lãi suất của Fed. Theo đó, từ năm 2004 đến 2007, mặc dù Fed tăng lãi suất nhưng VN-Index vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp.

Từ giữa năm 2007 đến cuối 2008, mặc dù Fed hạ lãi suất để cứu nền kinh tế do khủng hoảng toàn cầu nhưng Việt Nam lại tăng lãi suất do tình trạng lạm phát xảy ra (nguyên nhân do nới lỏng trước đó).

Giai đoạn từ 2014 đến 2018, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam loay hoay ở vùng đáy đi lên (hậu khủng hoảng toàn cầu 2008). Thị trường chứng khoán được định giá rẻ, tăng trưởng tín dụng và lạm phát được kiểm soát tốt, các gói đầu tư công kích thích nền kinh tế được tung ra, lãi suất được duy trì ổn định ở mức trung bình 7% thì VN-Index cũng lập đỉnh vào 2018. Trong khi đó, từ 2016 đến 2018 Fed vẫn tăng lãi suất từ 0.25 lên tới 2%.

Trong năm 2021, khi Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, Fed hạ lãi suất xuống 0%, Việt Nam cũng hạ lãi suất (mặc dù trước đó lãi suất cũng không cao) và thị trường chứng khoán đã bùng nổ lên tới 1.500 điểm.

Theo thống kê của VNDirect Reasearch, thị trường chứng khoán Mỹ (đại diện bởi chỉ số S&P 500) đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong hầu hết các chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 8,8%/năm. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tích cực với chỉ số VN-Index tăng 29% trong giai đoạn “taper tantrum” (kế hoạch "rút chân ga" khỏi "cỗ máy kích thích kinh tế" bằng cách giảm lượng trái phiếu mà Fed mua vào một cách từ từ và trong quãng thời gian dài trước đó, tháng 5/2013 - tháng 10/2014).

VN-Index đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong hai chu kỳ tăng lãi suất trước đó của Fed, tăng 266% trong giai đoạn tháng 6/2004 - tháng 8/2007 (tăng trưởng kép 84%/năm) và tăng 74% trong giai đoạn tháng 12/2015 - tháng 7/2019 (tăng trưởng kép 20,3%/năm).

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trong giai đoạn “taper tantrum”. Nguồn: VNDirect Reasearch
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trong giai đoạn “taper tantrum”. Nguồn: VNDirect Reasearch

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất 0,5%

Mặc dù lịch sử là vậy nhưng thực tế, việc tăng lãi suất của Fed luôn đi kèm với nỗi lo lạm phát. Đây mới chính là áp lực tâm lý lớn với nhà đầu tư. Khi Fed nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994, đồng thời tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay sẽ gây áp lực đến các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam: Dòng vốn FDI, FII rút ròng khỏi các nền kinh tế phát triển trở về Mỹ; các quốc gia bị áp lực tăng lãi suất theo Fed; Mỹ xuất khẩu lạm phát đi khắp nơi.

Như vậy, việc sắp tới Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất hay không có thể sẽ là yếu tố tác động lớn tới thị trường chứng khoán. Trong báo cáo phân tích đánh giá ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) duy trì quan điểm rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,8% - 6,9% trong năm 2022. Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ không bị tác động lớn, hỗ trợ bởi:

Miễn là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Và Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất.

Xuất khẩu - động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam tiếp tục duy trì khả quan khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược “zero Covid” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong 5 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tiếp tục sôi động, ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305,1 tỷ USD.

Dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Nguồn: ACBS

Dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Nguồn: ACBS

Chuyên gia phân tích của ACBS nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tối đa 50 điểm phần trăm (+0,5%). Ngoài ra, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, VND (tỷ giá Việt Nam đồng) nói chung sẽ giữ giá và ổn định từ đây tới cuối năm 2022 nhờ việc lạm phát vẫn thấp và được kiểm soát dưới 4%. Đồng thời, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. FDI giải ngân ổn định trong 5 tháng đầu năm (tăng 7,8%) và nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào (ước đạt 113 tỷ USD vào cuối năm 2021).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.