Cơ hội nào cho lao động Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng

NĂNG LƯỢNG việc làm
16:23 - 20/09/2023
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển dịch năng lượng đang là xu hướng tất yếu của phát triển năng lượng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng. Đặc biệt, nó cũng mở ra nhiều cơ hội cho thị trường lao động của Việt Nam.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chủ trì Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng.”

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu phân tích và đánh giá tiềm năng mà chuyển dịch năng lượng mang tới cho sự phát triển kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng cần phải xem xét và kết hợp các khía cạnh xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và bản sắc để đảm bảo chuyển dịch công bằng, "không ai bị bỏ lại phía sau".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh: "Tôi muốn chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 và cam kết về Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng toàn diện (JETP) đã được Việt Nam và các Thành viên G7 ký kết vào tháng 12 năm ngoái".

TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

TS Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đại sứ cho biết, CHLB Đức là đối tác lâu dài và đáng tin cậy của Việt Nam. Dự án chung đầu tiên giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được triển khai vào năm 2009. Kể từ đó, sự hợp tác giữa chúng ta đã không ngừng phát triển và hiện nay, tổng giá trị danh mục các dự án đang triển khai và đã lên kế hoạch hiện lên tới hơn 1 tỷ Euro.

"Trong hội nghị này, chúng tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm của chính mình. Ở Đức, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7% lên 5 triệu người. Điều này cho thấy quá trình chuyển dịch năng lượng là một quá trình phức tạp với đòi hỏi khắt khe, nhưng cũng là những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế", Đại sứ Guido Hildner chia sẻ.

Trong phiên thảo luận tập trung buổi sáng, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những câu chuyện về chuyển dịch năng lượng trên thế giới, nêu bật các cơ chế dẫn đến thành công. Đồng thời, làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, bồi đắp lực lượng lao động và xây dựng cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới và việc làm gián tiếp liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Cùng bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận tầm quan trọng của việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động. Bà cho rằng đây là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo.

Bà Hà bày tỏ mong muốn các chuyên gia, đại biểu tham dự sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về việc khai mở tiềm năng về chuyển đổi năng lượng, đề xuất những giải pháp cụ thể liên quan tới việc làm, đào tạo các kỹ năng cho người lao động để phục vụ thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế cam kết phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Cũng theo ông Thi, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng.

Điều này đòi hỏi sự chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh; Đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Việt Nam hiện là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch với dân số khoảng 100 triệu người, trong đó có 51% là dân số trong độ tuổi lao động. Do đặc điểm về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.

"Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng cần thiết và sẵn sàng học hỏi từ các điển hình tốt trên thế giới. Đồng thời, đánh giá cao mối quan hệ Hợp tác Việt - Đức và tin tưởng mối quan hệ này sẽ đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và tương lai xanh, phát triển bền vững cho Việt Nam" Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Hội thảo kỳ vọng tạo ra một diễn đàn để đưa chủ đề Chuyển dịch năng lượng gắn liền với Chuyển dịch việc làm đến gần với công chúng, và quan trọng hơn hết là Việt Nam có những quyết sách đúng đắn và phù hợp để chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững.

Vào buổi chiều, các đại biểu có buổi thảo luận nhóm chuyên sâu ở 5 lĩnh vực: Điện gió, Điện mặt trời, Vai trò của phụ nữ trong ngành năng lượng, Hiệu quả năng lượng và Giao thông xanh. Các đại biểu đến từ khu vực công và tư cùng thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp đột phá cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam.

Đặc biệt, về vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nêu trên trong quá trình chuyển dịch năng lượng, đa số các chuyên gia đều cho rằng, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn lực đồng bộ cho ngành với tầm nhìn dài hạn.

Bên cạnh đó, cần đánh giá nhu cầu thị trường để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng xu hướng ngày một phát triển của công nghệ; Kết hợp giữa chương trình đào tạo với chương trình đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp; Chuyển nguồn nhân lực từ các ngành liên quan có tính kế thừa,...

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng cần phải xây dựng chính sách, cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho người lao động khi bị cắt giảm biên chế trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Đơn cử như trong lĩnh vực giao thông, theo đại diện của một cơ sở đào tạo tại Hải Phòng cho biết, các sinh viên ngành công nghiệp ô tô đang lo ngại về cơ hội việc làm bị hạn chế khi ngành này đang chuyển dịch từ động cơ đốt trong sang động cơ điện.

Do vậy, có thể thấy, việc bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp