Cơ hội vươn mình từ mắc ca của tỉnh Điện Biên

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
07:30 - 10/12/2021
Cơ hội vươn mình từ mắc ca của tỉnh Điện Biên
0:00 / 0:00
0:00
Cây mắc ca có giá trị thương mại cao nhưng đến thời điểm hiện tại giống cây trồng này vẫn chưa thực sự được phát triển đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên

Điện Biên đặt mục tiêu 120.000 ha mắc ca

Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, đến năm 2050 sẽ trồng khoảng 120.000 ha cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, giai đoạn tới, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung phát triển cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô khoảng 120.000 ha theo hướng thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân và hợp tác xã.Hiện một số diện tích cây macca 4-5 tuổi đã cho thu hoạch quả với năng suất, chất lượng có triển vọng tích cực. Đồng thời, tỉnh Điện Biên cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cây mắc ca với diện tích hơn 47.000 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Điện Biên cần tiếp tục ưu tiên đầu tư sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch để người làm nông nghiệp yên tâm sinh sống, phát triển tại địa phương. Theo đó, Điện Biên nên phát triển cây mắc ca, bởi đây là một loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Điện Biên, cần được quan tâm, chú trọng khâu chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân làm giàu.

120.000 ha mắc ca sẽ được trồng tại tỉnh Điện Biên

120.000 ha mắc ca sẽ được trồng tại tỉnh Điện Biên

Sản lượng mắc ca mới đáp ứng được 25% nhu cầu

Theo Hiệp hội mắc ca Việt Nam, hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng gần 100 triệu người sử dụng nhân mắc ca hàng ngày. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca của thế giới ngày càng tăng, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 214.100 tấn nhân (tương đương khoảng 850.000 tấn hạt tươi).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới giờ mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm.

Dự báo của Hiệp hội Quả khô thế giới (INC) cho biết đến năm 2030 lượng cung hạt mắc ca cũng mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng đưa ra chiến lược đầu tư, phát triển mắc ca, góp phần tăng trưởng nền kinh tế.

Để đảm bảo đầu ra cho mắc ca, Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với các thị trường nhập khẩu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Hà Lan với thuế nhập khẩu đối với hạt mắc ca đã giảm về 0%.

Năm 2016, Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển năm 2030”, theo đó, đề án đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 500 triệu USD vào năm 2030 và 2,5 tỷ USD vào năm 2050 với diện tích trồng mắc ca lên 100.000 ha vào năm 2030 và đạt 250.000 ha vào năm 2050, tương đương 46.250 tấn nhân.

Tính đến tháng 5/2021, cả nước mới có 60 cơ sở sơ chế và 72 cơ sở chế biến mắc ca, với tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu khoảng hơn 7.300 tấn hạt. Riêng tại Điện Biên, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 84 ha cây mắc ca cho thu hoạch quả, với sản lượng thu hoạch giai đoạn 2015 - 2021 đạt 136,57 tấn quả tươi.

Tin liên quan

Đọc tiếp