Chuyển đổi số nông nghiệp để nông dân thoát cảnh “trông trời, trông đất, trông mây”

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
14:55 - 15/11/2021
Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp là cơ hội hiện hữu để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” của người nông dân vẫn thường xảy ra trước đây.

Là một đất nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều ngành hàng nông sản, từ lúa gạo, cà phê, cho đến thủy, hải sản... Các ngành hàng này đang đóng vai trò như những xương sống của ngành nông nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng "được mùa, mất giá", “giải cứu nông sản” vẫn thường xuyên xảy ra. Một trong những cách giải quyết tình trạng này không thể không kể đến chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Trong "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được ban hành ngày 03/06/2020, ngành nông nghiệp là 1 trong 8 ngành được ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số và đây được xem là con đường sẽ tạo nên sự đột phá, bứt tốc cho ngành nông nghiệp Việt Nam của thời đại Cách mạng công nghệ 4.0.

Cụ thể, một trong những tác động tích cực của chuyển đổi số nông nghiệp là giúp người nông dân chủ động hơn trong việc tiêu thụ, phân phối nông sản qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Dư địa phát triển thương mại điện tử khu vực nông thôn còn nhiều

Trong buổi trò chuyện “Chuyển đổi số - Nông nghiệp thông minh” trưa 14/11 của Đài tiếng nói Nhân dân Tp. HCM, ThS. Dương Tôn Bảo, Vụ Bưu Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong năm 2020, ngành TMĐT đã tăng 16%, đạt quy mô khoảng 14 tỷ USD, dự báo giai đoạn 2020 – 2025 sẽ tăng 29%, quy mô thị trường đạt khoảng 52 tỷ USD.

Tuy nhiên, TMĐT Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung ở Tp. HCM và Tp. Hà Nội, 2 thành phố này chiếm đến 70% giao dịch TMĐT cả nước, trong khi 61 địa phương còn lại chỉ đóng góp chưa đến 30% quy mô.

Ảnh tác giả

“Như vậy dư địa phát triển TMĐT ở khu vực nông thôn là rất lớn, đây cũng là cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở khu vực này, thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam”. Phát triển TMĐT trong nông nghiệp là cơ hội hiện hữu giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” của người nông dân trong thời gian trước đây".

ThS. Dương Tôn Bảo, Vụ Bưu Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông

“Ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp với các công cụ nhật ký điện tử trong sản xuất sẽ tạo ra được những dự báo về nhu cầu, giá cả thị trường, từ đó, có thể góp phần chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá”, ông Bảo nhận định.

ThS. Dương Tôn Bảo cho biết, trên thực tế, năm 2021, đại dịch COVID-19 lan rộng nhiều tỉnh/thành, dẫn đến nhiều địa phương phải giãn cách gây đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ban hành ngày 21/07/2021 phê duyệt kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Kế hoạch có sự phối kết hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Kế hoạch tập trung vào 3 yếu tố chính là hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp có thể mua – bán hàng từ xa, quảng bá sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh đào tạo kĩ năng số, kỹ năng TMĐT, kỹ năng đóng gói, giao nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chỉ TMĐT…

“Sau 4 tháng triển khai, đã có hơn 1,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp và gần 60.000 nông sản được đưa lên các sàn TMĐT trong giai đoạn 1, các giao dịch cũng tăng đột biến hơn các năm qua”, ông Bảo thông tin.

Nông dân không còn phải “trông trời, trông đất, trông mây”

Tiếp tục đưa ra những phân tích sâu hơn về tác động chuyển đổi số nông nghiệp tới hoạt động sản xuất của người nông dân, ThS. Dương Tôn Bảo đã chỉ ra 3 tác động lớn.

Ông Bảo cho rằng, trong chuyển đổi số, trước đây người nông dân bị động “phải trông trời trông đất trông mây” trông vào mùa vụ thì nay người nông dân đã có thể nắm được những thông tin đầu vào chuẩn bị trước, tình hình thời tiết, cụ thể:

Chuyển đổi số trong quá trình sản xuất. Thay vì sử dụng công cụ lao động thô sơ thì người nông dân đã có thể nắm bắt được các địa điểm bán hàng trực tuyến, sử dụng máy móc tự động hóa hỗ trợ trong vấn đề thu hoạch, sản xuất. Như vậy sẽ giảm giá thành, chi phí cũng như sức lao động đi rất nhiều.

Giới thiệu các mặt hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử
Giới thiệu các mặt hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử

Chuyển đổi số trong thu hoạch, chế biến. Trước đây khi nhập thông tin người nông dân sẽ ghi chép hoặc làm việc theo thói quen. Giờ đây, họ đã biết sử dụng công nghệ số, các ứng dụng để làm nhật ký sản xuất, lưu trữ dữ liệu theo mùa vụ qua các năm, từ đó có thể tối ưu hóa trong sản xuất.

Chuyển đổi số trong phân phối, tiêu thụ. Theo cách truyền thống khi người nông dân mang nông sản ra chợ bán hoặc tiêu thụ qua các thương lái sẽ dễ bị ép giá. Nhưng hiện nay người nông dân có thể tiêu thụ qua kênh tiêu bán hàng online và các sàn thương mại điện tử.

“Đặc biệt thời gian COVID-19 gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng vừa qua, với sự vào cuộc của Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương đã thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ thu mua tận nơi cũng như quảng bá nông sản cho người nông dân. Đây là bước đầu chuyển đổi số thành công và tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa”, ông Bảo nhận định.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần tập trung vào vấn đề gì?

Đồng tình với ý kiến của ThS. Dương Tôn Bảo và đưa ra phân tích sâu hơn về vấn đề này, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thiếu thông tin về thị trường đang là rủi ro lớn nhất của ngành nông nghiệp, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”.

Ảnh tác giả

"Cái khó nhất của người nông dân là nắm bắt được chính xác thông tin để có kế hoạch sản xuất. COVID-19 vừa rồi là động lực để thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp từ khâu sản xuất đến kết nối thị trường".

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

“Truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin cũng là một yếu tố để thúc đẩy bà con nông dân nâng cao sản xuất và minh bạch thị trường, đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ nông sản”, PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Cũng tại buổi trò chuyện “Chuyển đổi số - Nông nghiệp thông minh”, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia kinh tế đã chỉ ra 4 yếu tố cần tập trung thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thứ nhất, muốn phát triển nông nghiệp thông minh, các trung tâm khuyến nông cần có công tác tuyên truyền, hướng dẫn, truyền tải thông tin sâu rộng và hiệu quả hơn.

Thứ hai là cần có sự chuẩn bị, để nông dân hiểu rõ mình muốn làm gì và cần làm gì. Các cơ quan ngành nông nghiệp phải có các danh mục các thiết bị, công nghệ của nền nông nghiệp mới từ những nước phát triển và trưng bày trong các phòng thí nghiệm hay triển lãm để nông dân thấy và nắm bắt được.

Ảnh tác giả

"Việc định hình người nông dân mới cũng rất quan trọng. Họ phải có phong thái, kiến thức, ý thức trách nhiệm và tác phong mới thông qua các lớp tập huấn, khóa đào tạo… để họ thấy được hình bóng của mình trong cuộc cách mạng này".

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chuyên gia kinh tế

Thứ ba, tạo ra được hệ sinh thái nông nghiệp đồng bộ, tránh trường hợp có đầu ra nhưng không tìm được giống hay công nghệ chế biến. Chính phủ và các cơ quan ngành nông nghiệp cần có sự chuẩn bị để tạo ra được những điều kiện cần và đủ hình thành hệ sinh thái này.

Cuối cùng, cần có các cơ chế chính sách vận hành, thúc đẩy và bảo vệ cho những giá trị bền vững khi muốn thực hiện thành công chuyển đổi số trong nông nghiệp của thời đại mới.

Đây cũng là những trăn trở của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi bàn về vai trò của người nông dân trong Tọa đàm: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” ngày 28/10.

Tọa đàm: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” ngày 28/10

Tọa đàm: “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” ngày 28/10

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phát triển toàn diện thì yếu tố con người cần phải được chú trọng. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng con người nông thôn mới, không phải đơn giản chỉ là đưa giống hay con người xuống.

“Nông dân cần có tinh thần của một nhà khoa học, một doanh nhân. Do đó, cần đẩy mạnh tri thức hóa người nông dân và chuyển đổi công nghệ số”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp