Cổ phiếu dầu khí 'bay cao', khối ngoại đảo chiều bán ròng

bsr VN INDEX
16:13 - 28/09/2023
Cổ phiếu dầu khí đi ngược thị trường.
Cổ phiếu dầu khí đi ngược thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù sắc xanh chưa trở lại dứt khoát nhưng diễn biến phiên hôm nay cho thấy thị trường đã cân bằng hơn. Khối ngoại đảo chiều bán ròng sau 3 phiên mua ròng liên tiếp.

VN-Index kết phiên 28/9 ở mốc 1.152,43 điểm, giảm 1,4 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index giảm 1,34 điểm còn UPCoM giảm 0,29 điểm. Thanh khoản sụt giảm với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 17.000 tỷ đồng.

Khối ngoại đảo chiều bán ròng sau 3 phiên mua ròng liên tiếp. Họ bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.700 tỷ đồng giao dịch tại sàn HoSE. STB bị bán ròng mạnh nhất 88 tỷ đồng, GMD, CTG, VND bị bán ròng trên 60 tỷ đồng. SSI và VIX bị bán ròng trên 50 tỷ đồng. Nhiều mã bị bán ròng 20-40 tỷ đồng như PVT, PLX, MWG, HDB, VCI...

Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu ngành xây dựng VCG, với giá trị 68 tỷ đồng. PDR cũng được mua ròng 57 tỷ đồng. MSN và GEX được mua ròng trên 40 tỷ đồng. Danh sách còn có NLG, FTS, GAS, VCB, HSG...

Thị trường hôm nay giằng co giữa phe mua và phe bán nên các cổ phiếu có sự phân hoá. Tại nhóm VN30, TCB và PLX tăng mạnh nhất với tỷ lệ hơn 3%. Chiều tăng còn có GAS +2,9%, MWG +1,9%, BCM +1,5%, TPB +1,4%, VPB +1%; VCB, HPG, MSN tăng nhẹ.

Chiều giảm mạnh nhất là SSB -4,8%, STB -3,3%, POW, SAB, SSI, VNM giảm hơn 2%; VHM, VIB, SHB, GVR, ACB giảm hơn 1%.

Diễn biến phân hoá ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành trụ cột. Nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất khi các mã lớn như SSI, VND, VIX, VCI, HCM đều mất 2-3% giá trị. Ngược lại, một số mã nhỏ hồi phục mạnh, như FTS tăng trần, BMS tăng 7,8%, BSI tăng 5,4%, VUA tăng 6,7%...

Nhóm ngân hàng ngoài TCB thì chỉ có LPB tăng đáng kể 2,6%. TPB, ABB và NAB tăng hơn 1%, còn VPB, VCB, BVB tăng nhẹ. Chiều giảm ngoài lực kéo từ SSB và STB thì áp lực còn đến từ EIB -3,2%, NVB -2,4%, VIB và ACB -1%. BAB, MBB, KLB, PGB, SGB, VAB đứng tham chiếu.

Tương tự, nhóm bất động sản ghi nhận giảm ở nhiều mã lớn như VHM -1,3%, VIC -0,4%, VRE -2,5%, DIG -3,9%, CEO -3,7%, DXG -1%; BCG, HDC, TCH, CII, LCG... giảm hơn 2%; FCN, HTN, TCD, giảm trên dưới 4%. Ngược lại, NVL tăng 1,6%, NLG tăng 2,8%, NTL tăng 4,5%; PDR, KDH, HQC, CTD, C4G, HBC, QCG... đều giữ được sắc xanh khi kết phiên.

Các nhóm ghi nhận dòng tiền vào mạnh hơn ra là thuỷ sản, hoá chất, vật liệu xây dựng, bán lẻ, bảo hiểm; tuy nhiên đều có sự phân hoá giữa các cổ phiếu trong bối cảnh thanh khoản không còn dồi dào. Chỉ có nhóm dầu khí là đồng thuận đi lên. Ngoài GAS và PLX, hầu hết các mã trong nhóm này đều tăng giá mạnh.

BSR tăng hơn 6% lên giá 22.400 đồng, OIL tăng gần 5% lên mức giá 10.800 đồng, POS tăng gần 13% lên mức giá 14.000 đồng, PVT tăng 5,9% lên mức giá 28.200 đồng, PVC tăng 4,7% lên giá 18.000 đồng, PVS tăng 5,6% lên 39.500 đồng... Các mã này đều ghi nhận đà tăng tích cực thời gian gần đây, trong đó PVT và PVS đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử.

Cổ phiếu dầu khí ngược dòng bứt phá khi giá dầu lên đỉnh 1 năm. Kết phiên giao dịch 27/9, giá dầu Brent tăng 2,59 USD/thùng lên 96,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,29 USD/thùng lên mức 93,68 USD/thùng. Đây đều là mức cao nhất trong vòng hơn một năm qua.

Giá dầu vẫn đang được thúc đẩy bởi mối lo nguồn cung dầu toàn cầu thắt chặt. Lượng dầu tồn kho ở Cushing, Oklahoma – một kho chứa dầu khổng lồ và là nơi giao hàng của các hợp đồng dầu tương lai ở Mỹ - giảm 943.000 thùng trong tuần này, còn dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Nga và Saudi Arabia trước đó cũng đã gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng dầu/ngày vào đầu tháng này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.