Công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia kiến tạo không gian phát triển đến năm 2050

QUY HOẠCH Việt nAM
10:31 - 20/04/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ diễn ra Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, là quy hoạch mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu tiên là một bước quan trọng và được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở ý nghĩa quan trọng của bản Quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 10 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, quán triệt nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị. Rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch.

Thứ hai, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia. Đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.

Ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế. Ưu tiên nguồn lực triển khai các chương trình về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng.

Hoàn thiện chính sách thu Ngân sách Nhà nước đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; cơ chế khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các ngành, lĩnh vực.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hoá, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại phục vụ nhu cầu thông tin của người dân.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, huy động nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Huy động vốn vay nước ngoài với lãi suất ưu đãi; Thu hút các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.

"Thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, nỗ lực thực hiện lớn. Các địa phương cần xây dựng quy hoạch theo bản Quy hoạch tổng thể quốc gia, với tinh thần không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, cần sự quyết tâm của chính quyền các cấp để thực hiện hiệu quả bản Quy hoạch tổng thể quốc gia”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ sáu, chăm lo công tác an sinh xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan tâm đầu tư các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từng bước phát triển khu vực khó khăn thông qua xây dựng hạ tầng kết nối khu vực khó khăn với các hành lang kinh tế, kết nối các khu vực biên giới khó khăn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.

Thứ bảy, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn.

Thứ tám, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển theo hướng tăng dần cho chi đầu tư phát triển. Cơ cấu lại chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ chín, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng cường kết nối kinh tế trong và ngoài khu vực ASEAN.

Chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn nữa với các thị trường lớn, quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chủ động và tham gia tích cực các điều ước quốc tế, cơ chế hợp tác song phương, đa phương.

Thứ mười, bảo đảm quốc phòng, an ninh thông qua việc chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

“Quy hoạch tổng thể quốc gia là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.