Covid-19 được dự đoán sẽ kết thúc như cảm cúm thông thường

COVID-19 THẾ GIỚI
11:04 - 05/01/2022
“Không đại dịch nào là kéo dài mãi mãi”, ngay cả khi thế giới đang phải đối mặt với dịch Covid-19 và biến chủng Omicron. Ảnh: AP
“Không đại dịch nào là kéo dài mãi mãi”, ngay cả khi thế giới đang phải đối mặt với dịch Covid-19 và biến chủng Omicron. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Nhân loại đã bước sang năm thứ ba của Covid-19 với nhiều tổn thất chưa từng có. Dường như đang có "ánh sáng cuối đường hầm" khi các nhà khoa học chung nhận định rằng cuộc chiến dịch bệnh sẽ sớm đi đến hồi kết và thế giới phải học cách sống chung cùng virus.

“Không đại dịch nào là kéo dài mãi mãi”, ngay cả khi thế giới đang phải đối mặt với dịch Covid-19 và biến chủng mới Omicron có tốc độ lây lan “nhanh chưa từng có”.

Sống chung cùng dịch bệnh

Biến chủng Omicron đang đẩy số ca mắc Covid-19 lên mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng lần này, thế giới không quay trở lại vạch xuất phát mà sẽ phải học cách cùng tồn tại với một loại virus không thể biến mất.

Vaccine Covd-19 mang lại hiệu quả khi bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả khi chúng không phải lúc nào cũng ngăn ngừa bệnh nhẹ. Omicron dường như không gây tử vong như một số biến chủng trước đó. Những người sống sót sau khi nhiễm Omicron sẽ có miễn dịch bảo vệ mới, chống lại các phiên bản nCoV khác vẫn đang lưu hành - và có thể cả những biến chủng tiếp theo sẽ xuất hiện.

Biến thể mới nhất là một lời cảnh báo về những gì sẽ tiếp tục xảy ra “trừ khi chúng ta thực sự quyết liệt ngăn chặn ở giai đoạn cuối này”. “Chắc chắn Covid-19 sẽ ở bên chúng ta mãi mãi. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể loại bỏ nó hoàn toàn. Vì vậy chúng ta phải xác định mục tiêu của mình”, Tiến sĩ Albert Ko, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ) nhận định.

Sẽ đến một thời điểm mà SARS-CoV-2 là dịch bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm. Ảnh: AFP

Sẽ đến một thời điểm mà SARS-CoV-2 là dịch bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm. Ảnh: AFP

Ông cho biết, đến một thời điểm nào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ xác định thời điểm đủ số lượng các quốc gia đã kiểm soát được Covid-19, hoặc ít nhất kiểm soát được các trường hợp nhập viện và tử vong, để tuyên bố chính thức kết thúc đại dịch. Nhưng hiện chưa rõ chính xác “ngưỡng an toàn” này là bao nhiêu.

Ngay cả khi điều đó xảy ra, một số nơi trên thế giới vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn - đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp, thiếu vaccine hoặc thuốc điều trị. Người dân các nước này sẽ phải vật lộn trong các làn sóng dịch nhỏ lẻ, trong khi những nơi khác dễ dàng chuyển sang trạng thái coi Covid-19 là "đặc hữu".

Stephen Kissler, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, định nghĩa "đặc hữu" là đạt đến "trạng thái ổn định có thể chấp nhận được".

"Cuộc khủng hoảng Omicron cho thấy chúng ta vẫn chưa đến mức đặc hữu nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đạt đến một thời điểm mà SARS-CoV-2 là dịch bệnh đặc hữu giống như bệnh cúm”, ông Kissler nói.

Để so sánh, ông chỉ ra rằng Covid-19 đã khiến hơn 800.000 người Mỹ tử vong trong hai năm, trong khi bệnh cúm thường cướp đi sinh mạng của 12.000 đến 52.000 người mỗi năm.

Giai đoạn bình thường mới

Số lượng người mắc và tử vong vì Covid-19 về lâu dài sẽ là vấn đề xã hội, không phải khoa học. Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết: "Chúng ta sẽ không quay lại năm 2019 nữa. Chúng ta phải khiến cộng đồng nghĩ về khả năng chấp nhận rủi ro”.

Covid-19 đã phát triển tối đa khi tiến hóa nhiều lần. Ảnh: AFP

Covid-19 đã phát triển tối đa khi tiến hóa nhiều lần. Ảnh: AFP

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đưa ra dự đoán virus sẽ được kiểm soát theo cách “không làm gián đoạn xã hội, không phá vỡ nền kinh tế”.

Mỹ đang phát đi thông điệp rằng họ đang trên đường tiến tới giai đoạn bình thường mới. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết họ có đủ công cụ, bao gồm vaccine tăng cường, phương pháp điều trị mới và khẩu trang, để xử lý ngay cả mối đe dọa Omicron mà không cần phải phong tỏa như những ngày trước đó của đại dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa giảm thời gian cách ly những người mắc Covid-19 phải cách ly xuống còn 5 ngày.

Ấn Độ là một ví dụ điển hình về việc đạt được “ngưỡng Covid-19 ổn định”. Số ca mắc hàng ngày tại nước này chỉ ở mức dưới 10.000 trong sáu tháng trở lại đây. Nhưng trước đó, nước này đã trải qua làn sóng dịch do chủng Delta gây ra, với cái giá “quá đau thương”, theo Tiến sĩ T. Jacob John, cựu trưởng khoa virus học tại Đại học Y Christian.

Omicron đang khiến Ấn Độ đối mặt với số ca mắc mới gia tăng. Trong tháng 1/2022, nước này sẽ triển khai tiêm vaccine tăng cường cho các nhân viên tuyến đầu. Nhưng theo Tiến sĩ John, các bệnh đặc hữu khác, chẳng hạn như cúm và sởi sẽ gây ra các đợt bùng phát và virus corona sẽ tiếp tục lây lan thường xuyên ngay cả sau khi làn sóng Omicron đi qua.

Omicron bị đột biến cực kỳ nghiêm trọng đến mức nó đang vượt qua lớp kháng thể tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên. Nhưng Tiến sĩ William Moss tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết: "Tôi không coi đây là loại chu kỳ vô tận của các biến thể mới". Vì “virus đã phát triển tối đa” khi tiến hóa nhiều lần như vậy.

Kịch bản hậu Covid-19

Một tương lai có thể mà nhiều chuyên gia dự đoán, đó là: Trong thời kỳ hậu đại dịch, Covid-19 chuyển thành cảm lạnh ở một số người, gây bệnh nghiêm trọng hơn cho những người khác, tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể, tình trạng vaccine và các lần nhiễm bệnh trước đó của họ.

Trong tương lai, người mắc Covid-19 chỉ cần ở nhà khoảng hai đến ba ngày, sau đó sẽ bình phục. Ảnh: Reuters

Trong tương lai, người mắc Covid-19 chỉ cần ở nhà khoảng hai đến ba ngày, sau đó sẽ bình phục. Ảnh: Reuters

Các đột biến sẽ tiếp tục xuất hiện và có thể cần vaccine tăng cường thường xuyên để phù hợp hơn với các biến chủng mới. Nhưng hệ miễn dịch của con người sẽ tiếp tục nhận diện và chống lại mầm bệnh tốt hơn.

Chuyên gia miễn dịch học Ali Ellebedy tại Đại học Washington, St. Louis hy vọng vào khả năng ghi nhớ tuyệt vời của hệ miễn dịch và tạo ra nhiều lớp bảo vệ. Tế bào bộ nhớ B là một trong những lớp phòng thủ đó. Tế bào B sống nhiều năm trong tủy xương, sẵn sàng hoạt động và sản xuất thêm kháng thể khi cần thiết.

Trong một nghiên cứu mới, nhóm của Ali Ellebedy đã phát hiện ra rằng việc tiêm phòng vaccine Pfizer giúp phát triển “tế bào trợ giúp T”, thúc đẩy sản xuất các kháng thể đa dạng hơn, mạnh hơn và có thể hiệu quả ngay cả khi virus quay trở lại.

Ali Ellebedy cho biết, khả năng miễn dịch cơ bản của cộng đồng đã được cải thiện nhiều đến mức mặc dù có thêm các ca nhiễm đột phá, nhưng các trường hợp bệnh nặng, nhập viện và tử vong sẽ giảm xuống, bất kể biến chủng tiếp theo là gì.

"Chúng ta hiện nay đã khác với chúng ta của tháng 12/2019. Mọi thứ đều đã thay đổi", ông nói.

Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 giống như đám cháy rừng. Giờ đây, với biến chủng Omicron, “cánh rừng của chúng ta không hoàn toàn khô cằn. Nó đủ độ ẩm ướt để khiến đám cháy khó lan hơn", ông nói.

Trong tương lai, người mắc Covid-19 chỉ cần ở nhà khoảng hai đến ba ngày, sau đó "bạn có thể tiếp tục cuộc sống”. “Tôi hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc thôi", Ellebedy lạc quan trả lời.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.