"Cũ người nhưng mới ta" từ chuyện VNR xin nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản

tiêu điểm Việt nAM
19:53 - 18/10/2021
VNR đề nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu 37 toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng của JR East
VNR đề nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu 37 toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng của JR East
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNR, 37 toa tàu này nếu được nhập về Việt Nam thì sẽ là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu mà ngành Đường sắt Việt Nam đang khai thác.

Những ngày qua, thông tin về việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu 37 toa tàu tự hành DMU đã qua sử dụng của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) được dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo VNR, JR East có thông báo sẽ ngừng khai thác một số toa xe tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48 để chuyển sang dòng xe công nghệ mới.

Các toa xe có trang bị ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68 - 82 chỗ ngồi, 28 - 34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Các toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn xe với quy mô tùy theo nhu cầu sử dụng.

37 toa tàu nói trên được sản xuất trong giai đoạn 1979-1982. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, VNR sẽ thực hiện các thủ tục nhập khẩu, sửa chữa cải tạo toa xe phù hợp với tiêu chuẩn đường sắt Việt Nam.

Cũng theo VNR, phía Nhật Bản sẽ chuyển giao 37 toa tàu này với giá 0 đồng. Trước đó, các nước Philippines và Indonesia đã đăng ký mua, nhưng JR Eas không đồng ý và muốn chuyển giao miễn phí cho VNR.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, nếu mua mới thì mỗi toa tàu này có giá trị 30 tỷ đồng/1toa, với số lượng trên sẽ tương đương hơn 1.100 tỷ đồng. Trong khi chi phí vận chuyển 37 toa tầu trên từ Nhật Bản về Việt Nam ước khoảng 140 tỷ đồng.

Hơn nữa, 37 toa tàu này nếu được nhập về Việt Nam thì sẽ là công nghệ mới nhất đối với các đoàn tàu mà ngành Đường sắt Việt Nam đang khai thác.

Đối với phương tiện giao thông đường sắt đã qua sử dụng nhập khẩu, tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định: chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị.

Về niên hạn, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị không quá 40 năm.

Việt Nam đã xây dựng đường sắt có lịch sử 140 năm. Theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành đường sắt quy hoạch mở tuyến, quy hoạch cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu, mục tiêu nâng cao năng lực gấp 4-5 lần như hiện nay, cải thiện tốc độ chạy tàu.

Khổ đường sắt Việt Nam hiện nay là 1000 mm và 1435 mm tốc độ tàu 120km/h (theo TCVN: 13149-1:2020 công bố ngày 30/12/2020). Tốc độ chạy tàu khách bình quân 80-90 km/giờ, tàu hàng 60 km/giờ.

Trong khi đó ở các nước tiên tiến trên thế giới, vận tốc trung bình đối với vận chuyển hành khách vào khoảng 150-200km/giờ, đường sắt cao tốc trên 300km/giờ và siêu cao tốc có thể lên đến hơn 500km/giờ.

Về mặt công nghệ, đến bây giờ, đường sắt của Việt Nam vẫn đang ở nền tảng công nghệ thứ hai, công nghệ diezen, còn các nước phát triển đang sử dụng công nghệ thứ 3 - công nghệ điện khí hóa và công nghệ thứ tư – điện từ.

Tin liên quan

Đọc tiếp