Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về giá lúa gạo

NÔNG NGHIỆP QUỐC HỘI
18:02 - 15/08/2023
Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh:quochoi.vn
Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh:quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, trước thời cơ tiêu thụ gạo, giá lúa gạo tăng cao, mong mỏi bà con, doanh nghiệp phải bình tĩnh, tôn trọng nhau để giảm rủi ro, làm sao để mùa sau mọi người còn có thể mua bán, thỏa thuận, làm ăn với nhau.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tại phiên họp thứ 25 của Quốc hội chiều 15/8, nhiều đại biểu quan tâm đến giá lúa gạo bị đẩy lên cao.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đặt vấn đề, giá lúa gạo tăng cao tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, mang lại niềm vui cho bà con.

Tuy nhiên, do giá lúa gạo liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao.

Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp. Đại biểu An đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Cùng đặt câu hỏi, đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương cho biết, trách nhiệm và định hướng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long?

Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, giá lúa gạo đang nóng, những tin tức, bài báo... về lúa gạo lại càng nóng hơn. Buổi sáng, giá lúa gạo vẫn đang đà tăng, thì đến buổi chiều khi bước vào phần trả lời chất vấn tại đây, tôi lại nhận được thông tin về các nhà xuất khẩu của Ấn Độ dự đoán Chính phủ sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo .

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hiểu rằng các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo.

Tuy nhiên, giá nông sản, trong đó có giá lúa, gạo được quyết định bởi cung - cầu. Cầu tăng, cung không tăng thì giá sẽ tăng, đó là quy luật thị trường. Ở chiều ngược lại, những tác động ngoài bài toán cung cầu, là cố tình đẩy giá cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, một số nước cấm xuất khẩu gạo đem lại cơ hội, song đề nghị "cần hết sức bình tĩnh". Theo ông, mọi vấn đề đều có mặt trái, nếu không quản lý tốt mà chỉ nói một phía sẽ không toàn diện bức tranh thực tế.

"Tôi mong mỏi bà con nông dân, doanh nghiệp lúc này cần tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau. Tôi có nói với bà con nông dân là mua bán không chỉ là vấn đề được lợi mà nghĩ rằng xem mùa sau có mua bán được với họ nữa hay không, nếu chúng ta ép một người thì rất khó làm ăn lại đợt sau. Chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết hợp tác thì mới bền vững", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Hoan dẫn công điện của Thủ tướng về vấn đề này, nhấn mạnh, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bởi giá tiêu dùng trong nước tăng sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng người dân, nhất là người thu nhập thấp.

Hồi đáp quan tâm đại biểu về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích 20% diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được.

"Chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới bền vững được", Bộ trưởng Hoan nói.

"Nếu tính một năm có 365 ngày, ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày nào cũng "xuống giống", lúc nào cũng có lúa trên đồng. Chúng tôi có thể cùng địa phương tăng vụ nếu cần thiết", Bộ trưởng NN-PTNT cho hay.

Bộ trưởng cũng cho biết, ở thời điểm này, nếu không có thiên tai, biến đổi khí hậu không bất thường như vài năm qua, thì đảm bảo tiêu dùng trong nước và 7 - 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Năm ngoái xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, năm nay vẫn còn dư địa cho xuất khẩu, Bộ trưởng Hoan nói.

Đọc tiếp