Đại biểu Quốc hội băn khoăn quy định TLĐ Lao động làm nhà ở xã hội

Nhà ở QUỐC HỘI
22:39 - 26/10/2023
Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn Phú Thọ góp ý về Luật Nhà ở sửa đổi.
Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn Phú Thọ góp ý về Luật Nhà ở sửa đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê là nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 26/10.

Tổng Liên đoàn Lao động có đủ năng lực, kinh nghiệm

Ở phía đồng tình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc giao cho tổ chức công đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân đáp ứng cả 3 căn cứ cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Về mặt chính trị, đại biểu cho biết Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam có yêu cầu Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở. Về căn cứ thực tiễn, tổ chức công đoàn đã thực hiện trên thực tế.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết thêm, công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và đang đứng trước sức ép rất lớn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có yêu cầu khắt khe về lao động. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình.

Công đoàn có thể thành lập một pháp nhân phi lợi nhuận, hoạt động chỉ giới hạn cho thuê và không phát sinh lợi nhuận, không nằm trong khái niệm kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hoàn toàn không mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn Phú Thọ) cho biết, tại các diễn đàn đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với công nhân, đông đảo người lao động trên cả nước có mong muốn, đề xuất nguyện vọng Tổng liên đoàn Lao động tham gia đầu tư nhà ở xã hội để có thể chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nâng cao vị thế của công đoàn.

Theo đại biểu, Thủ tướng đã giao Tổng liên đoàn triển khai khu thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất từ năm 2017. Điển hình là thiết chế công đoàn Hà Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 244 căn hộ; các căn hộ có giá thuê phù hợp với mức thu nhập của người lao động, tỷ lệ thuê đạt 100%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đã có ban quản lý dự án thiết chế công đoàn, có đầy đủ tư cách pháp nhân, có đầy đủ các phòng chuyên môn để thực hiện đầu tư và tổ chức triển khai các dự án theo quy định pháp luật. “Như vậy, Tổng Liên đoàn Lao động có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ mà không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị khác”, đại biểu khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng trao quyền đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho Tổng Liên đoàn Lao động có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ được thực trạng xây dựng nhà ở xã hội chưa hiệu quả. Tuy nhiên đại biểu đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư.

Theo đại biểu, khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhà cho thuê thừa mà nhiều đối tượng khác có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng. Vì vậy, bà Nga cho rằng chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga góp ý thêm, cần quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Khi nhà ở có vấn đề, ai sẽ đại diện tiếng nói cho người lao động?

Ở phía chưa đồng tình, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng công đoàn là đại diện tiếng nói của người lao động, nếu trở thành chủ đầu tư thì khi nhà ở có vấn đề, ai sẽ là người đại diện cho người lao động để nói lên tiếng nói?. Đại biểu đề xuất phương án công đoàn có thể đầu tư nhà ở xã hội nhưng chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình, căn cứ so sánh với các đơn vị thực hiện khác.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) thì cho rằng đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có, do vậy cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.

Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan Nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan Nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.

Đại biểu Tô Văn Tám.

Đại biểu Tô Văn Tám.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) thì thẳng thắn đề nghị chưa quy định giao Tổng Liên động lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.