Đại dịch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

TÀI CHÍNH Việt nAM
23:16 - 13/04/2022
0:00 / 0:00
0:00

Trong năm qua, quá trình chuyển đổi số và tác động của Covid-19 đã tạo bối cảnh thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng. Nhưng hiện giao dịch không tiền mặt mới chỉ chiếm tỷ lệ 30% so với các hình thức thanh toán khác tại Việt Nam.

Nhiều năm gần đây, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu thế trên thế giới và ngay tại Việt Nam vai trò của thanh toán thẻ cũng đang ngày càng thịnh hành.

Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thanh toán số trong đại dịch" do báo Tiền Phong và CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 13/4, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Văn Tuyên đánh giá, hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam thời gian qua đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới.

Thay đổi dần thói quen dùng tiền mặt của người dân

Chia sẻ về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng - ông Hoàng Xuân Quế cho biết, theo xây dựng đề án không dùng tiền mặt giai đoạn 2015-2020 trước đó của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn biến cố không mong muốn là đại dịch Covid-19 đã khiến người dân thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang thanh toán thẻ.

"Trước đây, người dân thường ngần ngại trong việc sử dụng tài khoản ngân hàng, nhưng hiện nay, việc sử dụng thẻ đã dần phổ biến. Đặc biệt, Việt Nam có nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt với mức độ sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến. Đặc biệt giới trẻ là tác nhân mạnh mẽ nhất thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt đang triển khai ở Việt Nam", ông Hoàng Xuân Quế nhận định.

Tuy nhiên, ông Quế cho biết, mức độ bùng nổ của thanh toán thẻ chỉ đạt ở mức 11,05% vào năm 2020, chưa hoàn thành mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. Chính vì thế, với đề án mới NHNN ban hành giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều phương án triển khai mạnh mẽ, Viện trưởng Viện Tài chính hy vọng đến năm 2025 sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Ảnh tác giả

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của thế giới. Việc không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, rất nhanh chóng, hiệu quả, nâng cao an toàn của cơ quan giám sát. Và đại dịch Covid-19 đã là đòn bẩy thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn thế giới khi mà mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau.

PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng

Khảo sát từ Công ty Công nghệ Sapo tại 15.000 doanh nghiệp trong năm 2021 cho thấy, quá trình chuyển đổi kinh tế số và tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo bối cảnh thuận lợi cho các hình thức giao dịch không tiền mặt tăng trưởng.

Trong năm qua, giao dịch không tiền mặt chỉ chiếm tỷ lệ 30% so với các hình thức thanh toán khác, trong đó chuyển khoản trở thành hình thức thanh toán phổ biến nhất chiếm đến 36,5%, thanh toán bằng ví điện tử chiếm gần 15%, quét mã QR code chiếm 9,6%, quẹt thẻ ngân hàng chiếm 8,5%, cổng thanh toán 0,5%.

Phấn đấu mục tiêu 80% người trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch ngân hàng

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Văn Tuyên, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, thanh toán thẻ trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại toạ đàm ngày 13/4. Ảnh: Báo TP

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại toạ đàm ngày 13/4. Ảnh: Báo TP

Cung cấp nhiều giải pháp thanh toán hiện đại

Số liệu của CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cũng cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Mặc cho bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ghi nhận hệ thống của Napas có thời điểm xử lý lên đến 11 triệu giao dịch trong một ngày.

Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống Napas trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống Napas trong năm 2021 lần đầu tiên giảm -5% so với 2020…

Về triển vọng 2022, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, trong quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, doanh nghiệp này luôn ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Napas đã tích cực, chủ động tham gia triển khai cùng các cơ quan chức năng liên quan. Trong đó, liên tục triển khai các loại giao dịch thẻ hỗ trợ cho các loại hình giao dịch trả góp, giao dịch thanh toán nhanh để đáp ứng đa dạng ứng dụng trong hệ sinh thái thẻ chip.

"Ứng dụng thẻ chip mà Napas triển khai có nghĩa là trên 1 con chip vừa có thể chạy ứng dụng của ngân hàng vừa chạy ứng dụng của các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, bảo hiểm", Phó Giám đốc Napas chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm: "Vừa qua Napas phối hợp Vinbus cho ra mắt hệ thống thẻ vé thông minh trên xe buýt điện của Vinbus. Như vậy, chủ thẻ có thể sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán thay cho vé xe buýt theo công nghệ truyền thống trước đây. Về hệ sinh thái thẻ chip, Napas tiếp tục đa dạng hóa và củng cố ứng dụng để góp phần đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân".

Việt Nam đang dần ứng dụng thẻ chip vào các lĩnh vực thanh toán trong bảo hiểm, giao thông, thanh toán các dịch vụ công... như ở một số nước phát triển. Ảnh: Napas

Việt Nam đang dần ứng dụng thẻ chip vào các lĩnh vực thanh toán trong bảo hiểm, giao thông, thanh toán các dịch vụ công... như ở một số nước phát triển. Ảnh: Napas

Ngoài ra, hiện nay Napas đang phát triển một số ứng dụng thanh toán khác như phương thức thanh toán bằng mã phản hồi nhanh (QR code): mã QR code có sự phân mạch về hạ tầng chấp nhận thanh toán, tức là mã QR code của trung gian thanh toán nào, ngân hàng nào chỉ chấp nhận duy nhất khách hàng ở đơn vị đó.

Trong thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu, hệ thống của các cơ quan nhà nước như thuế, kho bạc, hải quan,... thực hiện là cầu nối để thúc đẩy kênh thanh toán của các ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối qua Napas. Qua đó, bản thân các ngân hàng, công ty thanh toán, fintech hoàn toàn có thể chủ động đa dạng hóa trải nghiệm người dùng và lựa chọn để người dân có thể thông qua các kênh thanh toán của mình để thực hiện thực toán dịch vụ công.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.