Ba ngân hàng hiến kế thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa

NGÂN HÀNG Việt nAM
07:43 - 12/03/2022
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank.
Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank.
0:00 / 0:00
0:00

Có một nghịch lý hiện nay là nhiều người Việt đang sử dụng thẻ do các tổ chức quốc tế phát hành cho các mục đích tiêu dùng trong nước, với mức phí 0,16%/giá trị giao dịch. Trong khi đó, phí xử lý giao dịch qua thẻ nội địa thấp hơn nhiều chỉ 0,025%.

Đó là ý kiến của ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức sáng 11/3.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tìm ra giải pháp để người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam; từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập tài chính toàn diện, chuyển đổi số theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng.

Theo thống kê, đến ngày 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475.000 (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Có sự tăng trưởng nhưng quy mô của thẻ tín dụng nói chung mới chỉ dừng lại ở con số 6,5 triệu; thẻ tín dụng nội địa chiếm 0,5 triệu; chưa tương xứng với tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân. Nguyên nhân chủ yếu là do đặc trưng dân số Việt Nam khoảng 60% sống ở nông thôn, trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không tiền mặt tập trung ở đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

Tâm lý e ngại cũng là rào cản lớn khi người dùng xưa nay thường là thanh toán tiền mặt để dễ quản lý, kiểu "tiền trao cháo múc"; trong khi đó giao dịch qua thẻ họ khó kiểm soát hơn. Bên cạnh đó là các vấn đề phí giao dịch, sự an toàn, bảo mật…

Hiện còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, mua hàng trực tuyến… nhưng chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm hữu ích này. Đây chính là phân khúc khách hàng rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ nội địa.Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước

Như vậy, để giải quyết bài toán phổ cập thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa thì cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc trên. Thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng tham gia vào hệ sinh thái thẻ nội địa đã triển khai rất hiệu quả việc mở rộng tệp khách hàng. Như Agribank, đơn vị đầu tiên phối hợp cùng NAPAS phát hành thẻ đa ứng dụng với sản phẩm thẻ kết hợp ghi nợ và tín dụng Lộc Việt.

Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, trước vấn nạn tín dụng đen, từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường Nông nghiệp, Nông thôn. Ngoài việc thiết lập thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, giúp người dân dễ dàng tiếp cận khoản vay; ngân hàng còn trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân.

Tính đến nay, Agribank đã phát hành hơn 430.000 thẻ, với trên 2.500 tỷ đồng hạn mức thấu chi được cấp và trên 5.000 thiết bị POS được lắp đặt, nâng tổng số thiết bị POS tại địa bàn Nông nghiệp, Nông thôn lên gần 15 triệu thiết bị. Trong đó, thẻ tín dụng nội địa là 10 triệu, với gần 5.000 điểm bán hàng chấp nhận thanh toán, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…), các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản và các tiệm tạp hóa.

Tại VietinBank, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Trung tâm thẻ nhà băng này cho biết, thẻ tín dụng nội địa cũng đang được đẩy mạnh phát triển ưu điểm chi phí rẻ, trong khi cũng tích hợp tất cả các tính năng mà thẻ tín dụng quốc tế có. Ngân hàng xác định phân khúc rõ ràng cho sản phẩm này là tệp khách hàng có thu nhập tầm trung, chưa quen với các sản phẩm tín dụng quốc tế.

Trong khi đó, sau 5 năm triển khai, ông Nguyễn Tâm Khoa - Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa của ACB giai đoạn đầu phát triển ở tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và hiện này đã mở rộng ra tất cả các tỉnh thành có đáp ứng thanh toán. Từ 2017 – 202, doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa của ACB đạt tăng trưởng bình quân 80%/năm.

Chiến lược của ACB là không phát triển dàn trải mà tập trung phát triển chính ở ba nhóm khách hàng: Khách hàng nhận lương qua tài khoản tại ACB, Khách hàng chủ hộ kinh doanh cá thể và Khách hàng nằm trong chuỗi các nhà phân phối có quan hệ với ACB. Đây là những nhóm khách hàng có nhu cầu cao trong việc sử dụng thẻ cho mục đích chi tiêu hàng ngày hoăc sử dụng thẻ cho các nhu cầu về kinh doanh cá thể. Ngoài ra, ngân hàng còn triển khai các tính năng đi kèm như rút tiền tại ATM hoàn toàn miễn phí với mức lãi suất thấp, trả góp 0%...

Đề xuất phê duyệt tín dụng online

Ngoài Agribank, VietinBank và ACB, thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phát hành còn được triển khai bởi Sacombank, HDBank, Bảo Việt Bank, VietBank, Vietcapital Bank và VietCredit.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định, tiềm năng thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam còn rất lớn.

Theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP.HCM cho thấy, mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp với 46%; trong khi số người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS.

Ông Minh cho biết, thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng các Tổ chức phát hành để đáp ứng lớn nhất nhu cầu của thị trường về sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Bên cạnh kêu gọi sự hợp tác của các ngân hàng - tổ chức tín dụng, ông cũng bày tỏ kỳ vọng về hình thức phê duyệt tín dụng online bởi hiện nay quy định vẫn còn khó khăn trong việc này; đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước về giải pháp để các hộ kinh doanh cá thể có thể dễ dàng đăng ký địa điểm thanh toán.

“Làm sao để các hộ kinh doanh cá thể có thể lên trang web hoặc ứng dụng ngân hàng khai báo nhanh chóng là đã sẵn sàng chấp nhận thanh toán thẻ”, ông Minh đề xuất.

Trước ý kiến của các đơn vị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đề nghị thời gian tới, các tổ chức phát hành thẻ và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa. Các giải pháp được ông Dũng chỉ đạo gồm:

Đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng, xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp;

Tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình;

Mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế;

Tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại…

Tin liên quan

Đọc tiếp