Đăng ký 'chuyển nhà' sang HoSE, Chứng khoán Phú Hưng đang hoạt động thế nào

Phú Hưng CHỨNG KHOÁN
13:09 - 11/11/2022
Chứng khoán Phú Hưng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Chứng khoán Phú Hưng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Phú Hưng.

Số cổ phiếu đăng ký niêm yết là hơn 150 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ hơn 1.500 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu của Chứng khoán Phú Hưng đang giao dịch trên sàn UPCoM với mã PHS, giá 14.800 đồng.

Giai đoạn từ 30/5 đến 19/9/2022, PHS từng gây chú ý khi là một trong những mã bứt phá nhất trong nhóm chứng khoán, tăng 63% từ vùng giá 16.000 đồng lên 26.000 đồng. Sau đó là chuỗi ngày tuột dốc để trở về mức giá hiện tại.

Chứng khoán Phú Hưng tiền thân là CTCP Chứng khoán Âu Lạc, thành lập tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu hơn 22 tỷ đồng. Đến năm 2009, công ty mới đổi tên thành Chứng khoán Phú Hưng.

Năm 2016, công ty hoàn thành hợp nhất với Chứng khoán An Thành (ATSC) và vẫn lấy tên là Chứng khoán Phú Hưng, vốn điều lệ lúc này là 202,5 tỷ đồng.

Ngày 31/7/2019, 70 triệu cổ phiếu của Chứng khoán Phú Hưng chính thức được đưa vào giao dịch tại UPCoM với mã PHS. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.300 đồng/cổ phiếu.

Công ty cũng tiến hành tăng vốn nhanh chóng. Từ hơn 202 tỷ đồng ngày sáp nhập năm 2016 đã tăng lên trên 1.500 tỷ đồng như hiện nay.

Về cơ cấu cổ đông, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2022, cổ đông lớn nhất tại PHS là Phu Hung Far East Holding Corporation (PHFE, có trụ sở tại Anh) với tỷ lệ sở hữu 46%. Đây là tổ chức do ông Albert Kwang-Chin Ting, Chủ tịch HĐQT PHS làm người đại diện theo pháp luật.

Các cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Vũ Thái (Hà Nội) sở hữu 4,98%. CTCP Bảo hiểm Phú Hưng sở hữu 2,09%. Quỹ ngoại Freshfields Capital Corporation sở hữu 4,86%. Tuy nhiên trong tháng 10 vừa qua, Freshfields Capital Corporation thông báo đã bán xong 6 triệu cổ phiếu PHS, giảm lượng sở hữu xuống còn 0,86%.

6 triệu cổ phiếu PHS được Freshfields Capital Corporation giao dịch theo phương thức thoả thuận vào các phiên ngày 29/9 và 6/10/2022. Tổng giá trị giao dịch số cổ phiếu này 120 tỷ đồng, tương ứng giá bán bình quân 20.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm này, PHS đang giao dịch ở vùng giá hơn 22.000 đồng.

Freshfield Capital Corporation cũng là tổ chức liên quan đến ông Albert Kwang-Chin Ting.

Chủ yếu vay nợ nước ngoài

Về tình hình kinh doanh, năm 2021, Chứng khoán Phú Hưng đạt hơn 494 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 131% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng đến 127% lên mức 141 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động đạt 421 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Tuy vậy lãi sau thuế chỉ còn gần 34 tỷ đồng, bằng 36% so với số lãi gần 94 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2021. Riêng quý 3/2022, PHS lỗ sau thuế 11,3 tỷ đồng, nguyên nhân do doanh thu tài chính giảm và chi phí tài chính tăng.

Tại thời điểm cuối quý 3/2022, Chứng khoán Phú Hưng đang vay nợ ngắn hạn 2.251 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Đây cũng là khoản chính trong tổng cơ cấu nợ phải trả 2.847 tỷ đồng của công ty này.

Trong 9 tháng đầu năm, PHS tăng chi phí tài chính là do chênh lệch tỷ giá hối đoái, bởi có tới 1.993 tỷ đồng là vay nước ngoài bằng USD với lãi suất từ 1,4%-4,8%.

Tổng tài sản của công ty đạt 4.418 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm; chủ yếu là tài sản tài chính, chiếm 4.331 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm là 718 tỷ đồng; các khoản cho vay ký quỹ và tạm ứng cho khách hàng bán chứng khoán là 3.173 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.