Đặt mục tiêu hết năm 2023 có 50% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

cải cách Hành chính
17:03 - 15/09/2022
Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng, cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng, cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy nhanh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa  phương thức chỉ đạo điều hành, nhằm mục tiêu đến cuối năm 2023 có tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%.

Sáng 15/9, tại Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, các ý kiến đánh giá việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào phương thức chỉ đạo, điều hành đã có những kết quả tích cực.

Hơn 1.700 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa

Theo báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được triển khai hiệu quả. Theo đó, hơn 1.700 quy định được cắt giảm, đơn giản hóa tại 125 văn bản quy phạm pháp luật, hơn 1.100 quy định kinh doanh đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa.

Việc phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh theo hướng không để nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực và đang tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 699 thủ tục hành chính đã được phê duyệt phương án phân cấp giải quyết, chiếm 13,47% thủ tục hành chính.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp 3.805 dịch vụ mức độ 3, 4; hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng 2,8 lần so với cùng kỳ 2021); hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện (tăng 3 lần so với cùng kỳ); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 2 lần so với cùng kỳ); hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với hơn 2,78 nghìn tỷ đồng (tăng 16 lần so với cùng kỳ 2021).

Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt là Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa gần 100 triệu dữ liệu dân cư được cấp số định danh cá nhân, cấp hơn 68 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân.

Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các kết quả đã đạt được, song cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế phải sớm được khắc phục để công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý hiệu quả hơn.

Theo ông, một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự ưu tiên nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành; nhiều nơi triển khai còn hình thức. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính chưa được quan tâm đúng mức nên còn nhiều rào cản tại các lĩnh vực liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu... Người dân, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí đầu vào không cần thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, kết quả đã đạt được, song cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thực chất, hiệu quả hơn. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, kết quả đã đạt được, song cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thực chất, hiệu quả hơn. Ảnh: VGP

Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn thấp. Năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%, 8 tháng năm 2022 mới đạt trên 18%.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo. Theo đó, cần có cách tư duy, phương pháp tiếp cận, đổi mới, quyết liệt hơn nữa với các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân và doanh nghiệp.

Ảnh tác giả

Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ tụt hậu trong lúc chúng ta phải tận dụng mọi thời cơ để vươn lên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước ngày 30/9 hằng năm.

Cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định kinh doanh, chi phí, phương án cải cách trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Thực hiện việc tham vấn người dân, doanh nghiệp về quy định, vướng mắc, khó khăn và phương án cải cách trên hệ thống này.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thân thiện với người dùng. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Thủ tướng lưu ý xã hội hóa một số công đoạn trong tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp để tất cả mọi người dân có thể làm được dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90%. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.

Thủ tướng đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%. Trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về lâu dài cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hình thành thói quen thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Thủ tướng yêu cầu đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ hồ sơ xử lý công văn giấy tờ trực tuyến ở các bộ, ngành Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh phải đạt 100%. Do đó, cần thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền.

Phấn đấu đến giữa năm 2023, có 5 bộ, ngành và 10 địa phương hoàn thành xây dựng Bộ Chỉ số điều hành đưa vào hoạt động và tích hợp thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung hỗ trợ cơ quan, địa phương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Trong đó, Bộ Công an đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương nhằm đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương nhằm đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đất đai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng và xây dựng lộ trình chuyển đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Văn phòng Chính phủ triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, định kỳ công khai kết quả đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp