Đầu tư công bứt tốc, tỉnh nào dẫn đầu giải ngân 7 tháng đầu năm?

ĐẦU TƯ CÔNG Đồng Tháp
12:17 - 04/08/2023
Đầu tư công bứt tốc, tỉnh nào dẫn đầu giải ngân 7 tháng đầu năm?
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ước tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu 2023 tăng 3,88% so với cùng kỳ về tỷ lệ và 80.777 tỷ đồng về con số tuyệt đối.

Theo báo cáo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng kế hoạch năm 2023 khoảng 267.625,2 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 37,85%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 đạt 34,47%. Trong đó vốn trong nước đạt 38,53%, vốn nước ngoài đạt 21,47%.

Bộ Tài chính cũng cho biết, có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30% ), Long An (54,29%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (63,38%), Ngân hàng chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).

Vượt qua Tiền Giang để giành vị trí dẫn đầu giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh, kể cả vốn năm 2022 chuyển sang là trên 6.200 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2023, giải ngân khoảng 3.485 tỷ đồng, đạt 58,29% kế hoạch.

Tuy nhiên, Đồng Tháp cũng nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng và nguồn cát xây dựng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm nay, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương, ngành liên quan tập trung giải quyết những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện các công trình theo đúng kế hoạch.

Ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu phân khai vốn đầu tư đối với những công trình điều chỉnh trong năm 2023 và kể cả chuẩn bị thủ tục của năm 2024 để không bị động; theo dõi sát tiến độ thực hiện của chủ đầu tư, mạnh dạn đề xuất thu hồi vốn với dự án, công trình không triển khai theo kế hoạch.

Cùng với đó, phải tập trung thực hiện thẩm định dự án, không để chậm trễ, kéo dài; rà soát các công trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

"Các công trình đã hoàn thành phải được quyết toán sớm. Đối với công trình thuộc nguồn vốn phục hồi phát triển kinh tế phải hoàn thành cuối năm nay", lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Đồng Tháp vừa được điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho 10 địa phương, trong đó Đồng Tháp 1.410,8 tỷ đồng.

32 Bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20%

Mặt khác, số liệu Bộ Tài chính cho thấy, có 40/52 Bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để đạt mục tiêu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn khi hết năm ngân sách vẫn cần rất nhiều sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính nhìn nhận.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh và diễn ra rất tích cực và cho rằng đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong các tháng tới, khi giá trị giải ngân đầu tư công thường tăng tốc trong các tháng cuối năm.

Theo BVSC, tỷ lệ giải ngân tới thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước, trung bình giai đoạn 2014-2022 đạt 48%.

Với dư địa vẫn còn lớn trên 435.000 tỷ, cao hơn tới 59% so với cùng kỳ, lượng giải ngân trung bình mỗi tháng còn lại của năm 2023 sẽ phải đạt hơn 84.000 tỷ để có thể hoàn thành 100% kế hoạch.

"Chúng tôi thiên về kịch bản giải ngân cả năm nay sẽ hoàn thành 85-95% kế hoạch, tương ứng với mức giải ngân trung bình mỗi tháng còn lại là khoảng 63.000 đến 77.000 tỷ đồng", BVSC dự báo.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.