Đề xuất mở rộng đối tượng nhận gói hỗ trợ thuê nhà 6,6 nghìn tỷ

QUỐC HỘI Việt nAM
15:26 - 11/01/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo đề xuất của đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung chi tiết về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động “có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm”.

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV chiều 10/1, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo được hoàn thiện trên cơ sở 365 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ, 50 đại biểu phát biểu tại hội trường và 3 ý kiến tranh luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Bổ sung đối tượng mục tiêu của gói hỗ trợ tiền thuê nhà

Trong nội dung chính sách tài khóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động “có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm”.

Theo dự thảo Nghị quyết ban đầu, Chính phủ đề xuất bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm đối tượng mục tiêu của gói này. Cụ thể, đại biểu Phan Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất: “Cần nói rõ đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi tùy tiện hỗ trợ, người được hỗ trợ, người không được, như công nhân, sinh viên, người lao động thu nhập thấp”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng: “Kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức. Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp”.

Trong nội dung chính sách tiền tệ cũng sửa đổi, bổ sung nội dung về nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn”. Đồng thời tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, “trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế”.

Trong nội dung chính sách miễn giảm thuế, bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra còn sửa đổi, bổ sung nội dung cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam “cho kỳ tính thuế năm 2022”.

Liên quan đến các chính sách khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung: “Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.

Về nội dung tác động từ Chương trình phục hồi, theo đề xuất của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung tại Điều 1 và Điều 2 của dự thảo Nghị quyết: “Đề nghị đánh giá rõ hơn tác động của Chương trình; xây dựng các kịch bản về lạm phát, nợ xấu và các giải pháp dự phòng rủi ro”.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ điều hành, theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu…

Đề nghị không tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, không nâng mức giảm thuế GTGT

Phản hồi đề nghị bổ sung nội dung tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, lấy dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 làm thí điểm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ không thể đẩy nhanh tiến độ dự án do chưa xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương.

Do vậy đề nghị Quốc hội giữ nguyên nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên lưu ý Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng Đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Ảnh tác giả

“Như công tác giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được tách thành các dự án độc lập sau khi đã xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về ý kiến cho rằng mức giảm thuế GTGT 2% còn thấp, đề nghị giảm ở mức 3%; giảm từ 2-5% thuế GTGT đối với một số mặt hàng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT là phù hợp nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và bảo đảm trong điều kiện hỗ trợ của NSNN, do vậy đề xuất Quốc hội giữ nguyên nội dung như dự thảo Nghị quyết.

Về đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm, quy định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, mục đích hỗ trợ, cơ chế kiểm soát, điều kiện thụ hưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết mức hỗ trợ lãi suất được xác định trên cơ sở mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân trên thị trường (mức chênh lệch hiện tại khoảng 4%), do vậy mức hỗ trợ lãi suất 2% là phù hợp với khả năng của NSNN, tránh được tình trạng trục lợi chính sách; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất được giao cho Chính phủ thực hiện. Do vậy đề xuất Quốc hội giữ nguyên nội dung như dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến đề nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị quyết đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất...; đồng thời Nghị quyết đã giao Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn. Do vậy đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Về ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư hạ tầng khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các tỉnh phía Nam, bố trí vốn cho các một số tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn một số địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay Nghị quyết trình Quốc hội thông qua không có danh mục các dự án cụ thể.

Chính phủ ghi nhận các ý kiến và sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án thuộc Chương trình trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình được nêu tại dự thảo Nghị quyết, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn theo quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét đề nghị giữ nguyên một số nội dung khác liên quan đến chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội hay tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT.

Bên cạnh đó, liên quan đến 3 cơ chế đặc thù mà Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến tiếp thu, sửa đổi, bổ sung theo hướng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình phục hồi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.