Điểm nhấn thị trường chứng khoán 2022: Gian nan thử sức

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
12:20 - 29/12/2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một năm sóng gió. Ảnh minh họa
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một năm sóng gió. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Trong một năm tình hình vĩ mô nhiều biến động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng mang lại cho nhà đầu tư nhiều cung bậc cảm xúc. Từ những sự kiện tiêu cực, các tín hiệu tích cực bật ra giúp tạo bản lề cho sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.

VN-Index giảm 35%

Sau năm 2021 tăng trưởng bùng nổ, TTCK Việt Nam bước vào năm 2022 đầy hứng khởi và chỉ số VN-Index mau chóng vượt 1.500 điểm vào đầu tháng 3, mức cao nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể, những phiên giao dịch “tỷ đô” thường xuyên diễn ra. Với mức đỉnh thanh khoản 2 tỷ USD, giới phân tích và nhà đầu tư nghĩ đến những đỉnh cao mới của chỉ số.

Tuy nhiên từ đầu quý II, sóng gió bắt đầu ập đến. Từ ngưỡng 1.500 điểm, chỉ số lao dốc nhanh. Đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index ghi nhận mức giảm kỷ lục lên đến 68,31 điểm. Sau đó, thị trường chính thức xác nhận xu hướng đi xuống, các đợt phục hồi có diễn ra nhưng khó có thể thay đổi cục diện khi thanh khoản liên tục sụt giảm.

Tại thời điểm ngày 29/12/2022, VN-Index đang giao dịch ở mốc hơn 1.000 điểm, giảm gần 32% so với số đầu năm và lọt top 4 các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. So với mức đỉnh 1.536,45 điểm thiết lập phiên 10/1/2022, VN-Index đã giảm hơn 33,6%. Còn so với mức đáy ở 873,78 điểm vào ngày 16/11 thì VN-Index giảm tới 35%.

VN-Index sụt giảm mạnh sau khi vươn lên mức đỉnh.

VN-Index sụt giảm mạnh sau khi vươn lên mức đỉnh.

Nhiều biện pháp thắt chặt quản lý thị trường

Đà giảm của VN-Index được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài bị tác động bên ngoài từ các sự kiện xung động Nga - Ukraine, đứt gẫy chuỗi cung ứng, lạm phát, lãi suất… thì các sự kiện trong nước cũng ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư cá nhân – bộ phận chiếm đến 90% cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý là việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt giam vì sai phạm trên thị trường chứng khoán. Điển hình là vụ ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, ông Đỗ Thành Nhân – cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holding bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội thao túng chứng khoán; ông Đỗ Anh Dũng – cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (liên quan đến việc huy động vốn qua kênh trái phiếu).

Sau các sự kiện trên, thị trường trái phiếu gần như “đóng băng”. Số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tính đến ngày 16/12/2022 cho thấy giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022 chỉ đạt 244.015 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song đó, các doanh nghiệp mua lại gần 182.742 tỷ đồng trái phiếu, tương đương tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021.

Để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu ổn định và bền vững, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ được chính thức ban hành vào ngày 16/9/2022.

Cuối năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng lùi thời hạn áp dụng 1 năm đối với các quy định: Xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm.

Đồng thời bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu… Việc này giúp doanh nghiệp có thể cơ cấu lại dòng tiền trả gốc và lãi đồng thời cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư, kéo dòng tiền trở lại với thị trường vốn.

Trái phiếu doanh nghiệp giảm tốc trong năm 2022. Nguồn: VBMA

Trái phiếu doanh nghiệp giảm tốc trong năm 2022. Nguồn: VBMA

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta đã tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng, có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch... Điều này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm".

Rút ngắn chu kỳ thanh toán, minh bạch hóa thông tin

Từ ngày 29/8/2022, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2. Việc nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây sẽ góp phần tăng thanh khoản, tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ tháng 5, thực hiện yêu cầu của UBCKNN, các Sở Giao dịch Chứng khoán đã thực hiện công bố giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán. Động thái khiến nhà đầu tư chứng khoán như “vui như mở cờ” khi lần đầu tiên dữ liệu này được công bố rộng rãi và miễn phí.

Tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư lớn trên thị trường. Việc mua hay bán của nhóm này được thị trường chú ý bởi phản ánh sự thay đổi kỳ vọng trong ngắn hạn, tác động lớn tới cung - cầu. Không ít nhà đầu tư muốn dựa trên dữ liệu tự doanh làm cơ sở để lựa chọn cổ phiếu đầu tư mua bán.

Việc công bố giao dịch của khối tự doanh đã thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc xóa bỏ sự bất đối xứng về mặt thông tin giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư tổ chức.

Từ tháng 6, UBCKNN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC của thị trường cơ sở vào ngày đáo hạn phái sinh, giá trung bình trong 30 phút cuối cùng trước khi đóng cửa của thị trường cơ sở (gồm 15 phút khớp lệnh định kỳ và kết quả phiên ATC) sẽ được sử dụng.

VSD cũng đã điều chỉnh tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 từ mức 13% lên 17% kể từ ngày 15/12/2022. Quyết định này kết hợp cùng động thái tăng cường giám sát vấn đề tuân thủ tại các công ty chứng khoán góp phần giúp giảm bớt tính đầu cơ cũng như tác động của phái sinh lên thị trường cơ sở. Đây cũng là tiền đề để “nắn” thị trường phái sinh về đúng vai trò phòng vệ cho cơ sở, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh mẽ

Sau 2 năm miệt mài bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại giải ngân mạnh vào thị trường Việt Nam trong năm 2022. Đáng chú ý, động thái mua ròng chỉ quyết liệt từ tháng 11 trở lại đây. Chỉ trong 2 tháng, khối ngoại mua ròng 26.600 tỷ đồng trên HoSE.

Nổi bật, các quỹ ETF đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam. Fubon FTSE Vietnam ETF – thỏi nam châm hút tiền từ khu vực Đông Á hay bộ đôi DCVFM VNDiamond và DCVFM VN30 ETF đang được nhà đầu tư Thái Lan rất ưa thích là những ví dụ điển hình.

Về cơ bản, kênh ETF sẽ là xu hướng đầu tư của tương lai. Trong năm 2022, nhiều quỹ ETF mới đã được cho ra mắt như DCVFM VNMidcap ETF, KIM Growth VNFinselect ETF, CSOP FTSE Vietnam 30 ETF. Các sản phẩm mới mang đến thêm những lựa chọn với “khẩu vị” đa dạng qua đó góp phần thu hút không chỉ khối ngoại mà cả nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư chứng khoán Việt Nam ngày càng đông đảo.

Việc dòng vốn có dấu hiệu quay lại sau giai đoạn 2020-2021 liên tục bị rút mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khu vực cận biên và mới nổi đang trở lại. Với động lực này, Việt Nam được cho sẽ có nhiều triển vọng nhất khi đang đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng khoảng 30%.

Nhìn chung, TTCK Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều sóng gió bủa vây. VN-Index giảm mạnh, nhiều cổ phiếu chiết khấu sâu mất 50-80% giá trị. Tuy nhiên các quỹ đầu tư, giới chuyên gia đều nhận định đây là diễn biến ngắn hạn bởi các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Về lâu dài, với triển vọng kinh tế Việt Nam, môi trường đầu tư ổn định hấp dẫn, chứng khoán chắc chắn sẽ đi lên tương xứng. Đặc biệt là sau những động thái lành mạnh hóa thị trường từ cơ quan quản lý.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.