Doanh nghiệp cần quảng bá sản phẩm nhiều hơn để mở rộng thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

XUẤT KHẨU Việt nAM
11:43 - 31/03/2022
Ông Tevfik Dönmez, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gia vị Donmezler và sản phẩm tiêu đen Việt Nam rất được ưa chuộng.
Ông Tevfik Dönmez, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gia vị Donmezler và sản phẩm tiêu đen Việt Nam rất được ưa chuộng.
0:00 / 0:00
0:00
Với thị trường nhiều cạnh tranh như Thổ Nhĩ Kỳ, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn công tác marketing, chủ động sắp xếp thời gian trực tiếp tới đất nước này nhằm kết nối với khách hàng và thăm dò thị trường.

Đây là lời khuyên mà ông Lê Phú Cường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ dành cho doanh nghiệp trong phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vào chiều 30/3.

Còn dư địa cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo ông Cường, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường lớn với dân số khoảng 84,5 triệu người, đứng thứ 2 ở châu Âu sau Đức. Bên cạnh đó, đất nước này có nền kinh tế rất phát triển, đứng thứ 6 châu Âu và thứ 16 trên toàn thế giới. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa sang Liên minh châu Âu, cũng như là cửa ngõ quan trọng vào vùng Trung Đông.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì được khoảng 20 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, với mức tăng từ 12-15%, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ nhập siêu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp, chỉ khoảng 0,5%. Hầu hết các mặt hàng còn đang chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp.

Trong thời gian vài năm gần đây đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khi mặt hàng điện thoại thay vì chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thì nay chỉ chiếm hơn 30%. Nguyên nhân vì sản phẩm điện thoại xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào hãng Samsung, nhưng hiện đối thủ cạnh tranh của Samsung đã đầu tư nhà máy lắp ráp sản phẩm tại nội địa nên Thổ Nhĩ Kỳ không nhập khẩu nhiều mặt hàng này nữa.

Thực tế này một phần vừa tạo cho Việt Nam cơ hội cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một mặt hàng, nhưng cũng làm dấy lên nỗi lo giảm kim ngạch xuất khẩu và đánh mất một thị trường tiêu thụ tốt như Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu hơn 386 triệu USD, tăng 40%. Cán cân thương mại nhập siêu khoảng 814 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 189 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đạt 60 triệu USD, tăng 43%.

Hiện Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu các loại máy móc của Thổ Nhĩ Kỳ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước này nhận định đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể sở hữu các loại máy móc tân tiến với “chất lượng châu Âu, giá cả châu Á”. Nguyên nhân vì các loại máy móc của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được sản xuất theo tiêu chuẩn của châu Âu nhưng giá cả lại rẻ hơn các nước EU rất nhiều.

Còn nhiều thách thức để mở rộng thị trường

Trong khi đó, theo ông Tevfik Dönmez, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gia vị Donmezler, công ty chuyên phân phối sản phẩm nông sản, gia vị tại Thổ Nhĩ Kỳ, thì mặt hàng gia vị của Việt Nam đặc biệt là hạt tiêu rất được ưa chuộng tại thị trường này. Việt Nam có sản lượng xuất khẩu, chất lượng sản phẩm cao, sản phẩm hữu cơ và có giá cả cạnh tranh hơn hạt tiêu của các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Trung Quốc…

Hiện, thị trường hạt tiêu tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều dư địa phát triển cho Việt Nam bởi người tiêu dùng có nhu cầu rất cao với mặt hàng này.

Về xuất khẩu trái cây, ông Lê Phú Cường cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia nông nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu của hàng rau quả, nông sản đều rất ít. Bên cạnh đó, người dân nơi đây vốn quen với các loại hoa quả tươi, ôn đới nên không ưa chuộng hoa quả nhiệt đới hay hoa quả đón lon, sấy dẻo. Các loại hoa quả thường được xuất khẩu sang nước này là thanh long, dừa, chanh leo, vải, chuối, bơ…

Ngoài ra, hàng rào thuế quan cũng là một điểm khó cho doanh nghiệp. Vì chưa có FTA nên thuế của các mặt hàng sẽ dao động trong khoảng 20-50%. Hơn nữa, chính phủ nước này cũng có chính sách bảo hộ nông nghiệp rất chặt chẽ, vì vậy, một số mặt hàng bị đánh thuế rất cao.

Theo ông Lê Phú Cường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường này vẫn có dư địa cho hàng hóa Việt Nam phát triển nhưng doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động marketing.

Theo ông Lê Phú Cường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường này vẫn có dư địa cho hàng hóa Việt Nam phát triển nhưng doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động marketing.

Theo ông Kutay Turedi, đại diện Công ty TNHH Sản phẩm Nông nghiệp IDEAL (VERITA) chuyên nhập khẩu hoa quả tươi, mặt hàng hoa quả tuy vẫn có chỗ đứng tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng để xuất khẩu sản phẩm cần đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP… Đặc biệt là cần chú ý đến khâu bảo quản vì thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ rất lâu, khoảng 1 tháng.

Ông Kutay Turedi cũng chia sẻ rằng, do đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay giá cước vận chuyển vẫn duy trì ở mức cao, gấp khoảng 8-10 lần thời điểm trước đại dịch, và thời gian vận chuyển có khi bị kéo dài lên tới 45 ngày, gây khó khăn cho việc xuất khẩu trái cây tươi.

Còn đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Lê Phú Cường cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải năng động hơn, chịu khó tham gia các hội chợ, đích thân lãnh đạo doanh nghiệp cần tới Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ các đối tác, thăm dò thị trường và xây dựng thương hiệu của mình thì mới có thể mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam tại thị trường tiềm năng này.

Ngoài ra, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần cẩn trọng trong khâu thanh toán, đặc biệt nên thuyết phục đối tác sử dụng phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C), nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh những sự cố đáng tiếc như vụ lừa đảo xuất khẩu điều diễn ra cách đây không lâu tại Italy.

Tin liên quan

Đọc tiếp