Nhập khẩu xăng dầu nửa đầu tháng 3 tăng 102% về trị giá

XNK Tháng 3 Việt nAM
07:08 - 28/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nửa đầu tháng 3/2022, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,2 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng xăng dầu do tác động cộng hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tăng hơn 102% về trị giá nhập khẩu so với cùng kỳ tháng trước.

Cụ thể, so với cùng kỳ tháng trước, nửa đầu tháng 3/2022 kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 75%, đạt 15,3 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp vốn FDI chiếm 11,2 tỷ USD. Các mặt hàng hầu như đều ghi nhận đà tăng, điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế sau tháng Tết Nguyên đán.

Nửa đầu tháng 3 cũng ghi nhận một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,6 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,3 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam sản xuất 31,6 triệu chiếc điện thoại di động. Trong khi đó, lượng TV sản xuất ra đạt hơn 2 triệu chiếc.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng ngày 15/3, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 69,7 tỷ USD, khối doanh nghiệp vốn FDI chiếm 50,8 tỷ USD. Trong đó có 3 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, bao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,1 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 7,9 tỷ USD; hàng dệt may đạt 7 tỷ USD.

Xuất khẩu các mặt hàng nông sản cũng đạt tín hiệu khả quan. Trong đó có 2 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, gồm hàng thủy sản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; cà phê đạt 1 tỷ USD, tăng 52%.

Trong 2 tháng đầu năm, các thị trường lẻ xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt là Hoa Kỳ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 1,2% ; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD, tăng 16%; Ấn Độ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20%; Thái Lan đạt 1 tỷ USD, tăng 9,5%.

Với thị trường Trung Quốc, các quy định bắt đầu thực thi từ 1/1/2022 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi thị trường này. Do vậy, trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc là nước duy nhất (trong tổng 5 nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) ghi nhận đà giảm.

Trong thời gian tới, với đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam khi đại dịch đã được kiểm soát, cùng với đó, việc thực thi các FTA (trong đó bao gồm EVFTA, CPTPP, UKVFTA và RCEP) được kỳ vọng sẽ là bước đệm để đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục tại các thị trường thành viên trong năm 2022.

Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 3/2022, Việt Nam nhập khẩu 15,2 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khối doanh nghiệp vốn FDI chiếm 9,9 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,7 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,7 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 859 triệu USD…

Ngoài ra, các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương. Cụ thể, xăng dầu các loại đạt 583.143 tấn, tương ứng 576,6 triệu USD; tăng 71% về lượng và tăng 102% về trị giá so với cùng kỳ tháng trước. Sự tăng trưởng này bởi thời gian qua giá xăng dầu liên tiếp thay đổi theo chiều đi lên, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do vậy, xăng nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 3 đã tăng mạnh về trị giá.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc là một trong hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu ra toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian qua cả Nga và Trung Quốc đã đồng loạt hạn chế xuất khẩu phân bón đã khiến nguồn cung thế giới bị thiếu hụt.

Tác động của chiến sự Ukraine – Nga cũng khiến nguồn cung phân bón trở nên khan hiếm. Việc nguồn cung tắc nghẽn đã khiến lượng nhập khẩu phân bón thời gian qua giảm sút, đặc biệt với các loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn là Kali. So với nửa đầu tháng 2, nhập khẩu phân bón Kali đã giảm 39.423 tấn, đạt 10.140 tấn trong nửa đầu tháng 3.

Mặt khác, chiến sự Ukraine – Nga còn tác động tiêu cực lên mặt hàng lúa mì khi đây là 2 trong 4 quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Ghi nhận nửa đầu tháng 3, Việt Nam nhập khẩu 101.116 tấn lúa mì, đạt 177,8 triệu USD. So với nửa đầu tháng 2/2022, số liệu này cho thấy lượng nhập khẩu lúa mì đã giảm 68.553 tấn và tăng 75% về trị giá.

Có thể thấy, mặc dù lượng đã giảm nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng cao. Nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá thành lúa mì lên cao, khiến các thị trường nhập khẩu lúa mì như Việt Nam gặp khó khăn.

Tính chung từ 1/1 – 15/3, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 70,2 tỷ USD, trong đó khối doanh nghiệp vốn FDI chiếm 46,5 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,4 tỷ USD, là mặt hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất. Ngoài ra, có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 8,6 tỷ USD; vải các lọại đạt 2,9 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 2,7 tỷ USD; sắt thép các loại đạt 2,5 tỷ USD.

Các thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm gồm Trung Quốc đạt 18,3 tỷ USD; Đài Loan đạt 3,7 tỷ USD ; Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD Hoa kỳ Đạt 2,1 tỷ USD; Thái Lan đạt 2,1 tỷ USD…

Tin liên quan

Đọc tiếp