Doanh nghiệp dệt may và lớp áo lợi nhuận xám màu

Dệt May Việt nAM
16:12 - 06/08/2023
Doanh nghiệp dệt may và lớp áo lợi nhuận xám màu
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu đơn hàng, đơn giá giảm sâu, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã phải đối mặt với lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn kiên trì duy trì sản xuất, giữ chân người lao động chờ phục hồi.

Lợi nhuận giảm sâu

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 ghi nhận thực trạng nhiều doanh nghiệp dệt may đối mặt trập trùng khó khăn vì thiếu đơn hàng, lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Ngay cả những tên tuổi lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (UPCoM: VGT); Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) hay CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (UPCoM: TNG) cũng đều rơi vào cảnh lãi giảm liên tiếp.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Vinatex, sau 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của tập đoàn đạt mức 8.119 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ 2022.

Sau 2 quý đầu năm, Vinatex đạt 46% chỉ tiêu doanh thu (17.500 tỷ đồng) và 28% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (610 tỷ đồng).

Giải trình về nguyên nhân khiến kết quả giảm sút nghiêm trọng, Vinatex cho biết các công ty con tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do nhu cầu thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động mặc dù ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn.

Không khấm khá hơn, Dệt may Thành Công ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng chỉ đạt 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lao dốc 97% so với cùng kỳ 2022. Với kết quả này, công ty này chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm (245 tỷ đồng).

Tại dệt may TNG, sau quý 1/2023 hoạt động suôn sẻ, TNG đã chính thức “đứt mạch” tăng trưởng vào quý 2 khi doanh thu thuần đạt 1.995 tỷ đồng, “đi ngang” so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 54 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp may ở Thái Nguyên này đạt gần 3.334 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng giảm 21%, còn gần 99 tỷ đồng.

Năm 2023, TNG đã thông qua kế hoạch lãi sau thuế 299 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với thực hiện năm 2022. Như vậy sau 6 tháng, công ty này mới chỉ thực hiện được 33% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại Tổng Công Ty May 10 - CTCP (Mã: M10), sau 6 tháng 2023, May 10 đạt doanh thu thuần xấp xỉ 1.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 45,4 tỷ đồng, đều giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Hay Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (Mã: HTG) cũng ghi nhận mức lãi ròng thấp nhất của công ty này trong 2 năm trở lại đây với doanh thu thuần gần 2.310 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt gần 82 tỷ đồng, tương ứng giảm 11% và 41% so cùng kỳ, thực hiện được 46% kế hoạch về lợi nhuận năm (200 tỷ đồng).

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp may kể trên ít nhiều vẫn có lãi. Trong khi đó Garmex Sài GònGilimex (GIL) lại ghi nhận kết quả kinh doanh u ám khi ghi nhận lỗ lũy kế.

Sau 6 tháng đầu năm, GIL ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 426 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 1,500 tỷ đồng và 103.5 tỷ đồng, giảm tương ứng 53% và 71% so với thực hiện năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Garmex có khoản thu gần 224 tỷ đồng cho việc cung cấp đơn hàng cho Gilimex, nhưng cùng kỳ 2023 không có khoản thu này. Vì vậy, Garmex ghi nhận lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 33 tỷ đồng.

Nhìn vào bảng báo cáo tài chính tại Gilimex có thể thấy, kết quả kinh doanh kém khả quan đã xuất phát từ vụ kiện của công ty này với sàn thương mại điện tử Amazon, gây ảnh hưởng cho Gilimex mà còn khiến các doanh nghiệp đối tác như Garmex chịu hậu quả liên đới theo, khiến cho kết quả kinh doanh tại Garmex Sài Gòn "quay xe" từ lãi thành lỗ sau khi bị ảnh hưởng từ việc hụt thu xuất khẩu cùng đối tác Gilimex.

Nỗ lực giữ chân người lao động, duy trì sản xuất

Trao đổi cùng Mekong ASEAN, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp trong tập đoàn phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, phải tiếp nhận đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún như vậy.

"Quy mô người lao động tại Vinatex lên đến gần 62.000 người, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải nhận đơn hàng chỉ vài trăm chiếc áo Jacket, mặt hàng không trong sở trường. Bởi vì nếu không làm thì không có đơn hàng để tiếp tục hoạt động", lãnh đạo Vinatex chia sẻ.

Mặc dù thiếu hụt đơn hàng, khó khăn trong kinh doanh, tuy nhiên Vinatex vẫn cố gắng giữ chân người lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,2 triệu đồng/ người/ tháng. "Bởi các doanh nghiệp trong tập đoàn luôn coi lực lượng lao động là tài sản số một của mình", ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25/7, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm.

Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, khi trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành.

May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành.

"Tổng công ty May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, bằng một loạt biện pháp, đến nay, hơn 12.000 người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc một ngày nào, đây được coi là thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung", ông Việt chia sẻ.

Trong các báo cáo giải trình tại Dệt may Thành Công, Dệt may TNG cũng cho biết, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, đơn giá giảm so với cùng kỳ, chi phí sản xuất không giảm đã dẫn đến lợi nhuận giảm nhưng chi phí trả cho người lao động vẫn cố gắng đảm bảo.

Ngoài ra, các công ty may này vẫn chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu đơn hàng cho quý 3. Tại Dệt may Thành Công, công ty này mới nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 3 và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.