Doanh nghiệp vẫn cần đặc biệt lưu ý vấn đề dịch bệnh khi xuất khẩu nông sản

XUẤT KHẨU Việt nAM
20:37 - 26/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý để tránh rủi ro.

Theo bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng biên tập báo Hải quan phát biểu tại tọa đàm Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày 26/7, dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong số này có vấn đề lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng từ chiến sự Nga – Ukraine khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Hải quan online

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Hải quan online

Đặc biệt, tình trạng mặt hàng nông, thủy sản ùn tắc tại một số cửa khẩu phía Bắc trong thời gian qua cho thấy ngành nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế biến để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo đó, hiện nay, các mặt nông, thuỷ sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế… Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang Nga – Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan Đào Duy Tám cho biết, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản đã được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Tuy nhiên, ông Đào Duy Tám cho rằng, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp do đã xuất hiện biến chủng mới; nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.

Vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, ngành Hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản cần lưu ý nghiên cứu, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt cần lưu ý đàm phán những những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh/ thiên tai… để tránh những rủi ro không may do dịch bệnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng, thị trường truyền thống; hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.

Đặc biệt, nói về những thách thức từ thị trường Trung Quốc, bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ Công tác miền Nam thuộc Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, dù Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng các chính sách mới của nước này như chính sách ZeroCovid, Lệnh 248, Lệnh 249 đã gây ra nhiều rào cản cho việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường hơn 1 tỷ dân.

Nhằm tránh ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cho biết Bộ Công Thương tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất - nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch nhằm tránh rủi ro khi phụ thuộc vào hình thức buôn bán mang tính trao đổi cư dân biên giới. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng, những quy định của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản là những quy định mang tính kinh tế mà bất cứ nước nào muốn bảo vệ người tiêu dùng của nước họ đều phải quy định. Chính vì vậy, Việt Nam cần những giải pháp mang tính thích nghi với những quy định mới của Trung Quốc.

Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Cùng với đó, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Phân tích về những cơ hội xuất khẩu từ các FTA, bà Bùi Hoàng Yến cho biết, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, mở ra cơ hội và tạo động lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế từ các hiệp định này, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, và tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định, đặc biệt là Hiệp định EVFTA.

Trong đó, bà Bùi Hoàng Yến khẳng định EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp đã ghi nhận 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Kết quả này đã giúp ngành nông nghiệp mang về thặng dư thương mại khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp