Việt Nam vươn lên xếp thứ 6 thế giới về xuất khẩu xơ sợi

Dệt May Việt nAM
11:11 - 25/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa hàng dệt may Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng xơ sợi lên vị trí thứ 6 trong các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong bối cảnh Mỹ và EU đã giảm tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc.

Lần đầu tiên vượt tỷ trọng Hàn Quốc

Tại báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA) ghi nhận, tính đến tháng 5 năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải... của Việt Nam đạt 18,73 tỷ USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là xuất khẩu dệt may với 14,99 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ, xuất khẩu xơ sợi xếp thứ 2 với 2,37 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Ngoài ra, xuất khẩu vải địa kỹ thuật và nguyên phụ liệu cũng ghi nhận đạt lần lượt là 376,8 triệu USD (tăng 27%) và 979,8 triệu USD (tăng 19,2%).

Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đưa ra dự báo thống kê với 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xơ sợi dự kiến đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2021 là 5,6 tỷ USD.

Với kết quả ghi nhận được, VCOSA cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ sợi lớn thứ 6 thế giới. Trong đó, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu xơ sợi là sợi tới chế, chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Những yếu tố thúc đẩy thị trường xơ, sợi phát triển

Nguyên nhân tăng trưởng về tình hình xuất khẩu do 2 khu vực nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và EU đã giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt từ Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ các nước khác. Do đó, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu xơ, sợi và dệt may trong tương lai.

Ngoài ra, hiện nay, sợi nhân tạo tổng hợp từ dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên chiếm hơn 60% thị phần sợi toàn cầu. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đã tác động trực tiếp và dự kiến sẽ làm tăng giá sản xuất xơ, sợi trong năm nay cũng tạo cơ hội cho các sản phẩm xơ, sợi của Việt Nam có nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Thay đổi về công nghệ 4.0 cũng phần nào tác động và mở ra các cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất, trong đó có ngành sợi. Điều này được minh chứng khi nhân công giá thấp, nguyên liệu truyền thống... đã dần ít đi và các sản phẩm mới được nghiên cứu chế tạo thành công, trong đó có sản phẩm sợi tái chế cũng đã được đẩy mạnh.

Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP,... cũng tạo triển vọng bứt phá của ngành xơ, sợi.

Một yếu tố khác được nhắc đến liên quan đến báo cáo của WHO nhận định, các biến thể mới Covid-19 sẽ tiếp tục xuất hiện vào năm 2022 và thời gian để Covid trở thành loài đặc hữu vẫn còn rất chưa chắc chắn. Do vậy, phân khúc xơ và sợi của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là yếu tố phục hồi chính và sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với may mặc, do việc sản xuất chủ yếu được thực hiện bằng máy móc.

Tin liên quan

Đọc tiếp