Phở treo là mô hình hoạt động do vợ chồng chị Phan Lệ mở ra, nhằm san sẻ phần nào những bữa ăn chất lượng cho những người yếm thế, người lao động nghèo, những hoàn cảnh khó khăn giữa lòng đô thị.
Để mọi người có thể hiểu rõ hơn về mô hình phở treo, chị Lệ có làm thêm biển ghi dòng chữ “Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương”.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Phan Lệ cho biết, ý tưởng làm phở “treo” xuất phát từ một lần tình cờ xem chương trình của Italy về mô hình cà phê “treo”, táo “treo” tặng người khó khăn.
Tâm đắc ý tưởng này, chị Lệ bàn bạc cùng gia đình thực hiện phở “treo” giúp người khó khăn. “Tôi chứng kiến rất nhiều những cảnh đời vất vả đi qua đây nên muốn đóng góp chút gì đó. Sẵn có quán phở, mình cùng gia đình bắt tay vào triển khai mô hình này. Mô hình phở “treo” được triển khai được một tháng rồi. Khách đến ăn phở “treo” ở mọi độ tuổi, không phân biệt ngành nghề nhưng ưu tiên người già, neo đơn, người khuyết tật và trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn,” chị Lệ nói.
Theo mô hình này, khách đến ăn sẽ trả thêm tiền cho một hoặc nhiều suất rồi gửi lại quán để dành tặng cho những người thực sự cần, cho những người khó khăn. Hiện tại, quán thực hiện tự “treo” 30 bát mỗi ngày. Khách đến đây ăn sẽ bắt đầu “treo” từ số 31 trở đi. Những suất “treo” của ngày hôm trước chưa được dùng sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau.
“Mình làm biển treo số lên là để những người thực sự cần đi qua có thể thấy và thoải mái ăn mà không cần hỏi quán xem hôm nay còn phở miễn phí không. Số tiền khách gửi lại cũng tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn nhưng quán cam kết vẫn chuẩn bị những phần ăn đầy đủ, chất lượng cho người có hoàn cảnh khó khăn," chị Lệ chia sẻ.
Vô tình nghe được câu chuyện phở “treo”, trưa 13/8, chị Phương cùng đồng nghiệp ghé qua quán phở. “Mình thấy đây là một mô hình hay và ý nghĩa, nêu bật truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt. Mình cùng đồng nghiệp có treo lại 4 bát phở với mong muốn phần nào có thể giúp đỡ cho những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở ngoài kia,” chị Phương nói.
Bà Phạm Thị Ngà, với đôi vai đã mỏi mệt vì gánh nặng tuổi già và những lo toan cơm áo, chậm rãi đẩy chiếc xe đẩy cũ kỹ qua từng con phố Hà Nội. Trên xe là đứa cháu nhỏ, đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn phố phường.
Đi qua quán phở trên phố Báo Khánh, bà Ngà được nhân viên niềm nở mời vào. Đây là lần thứ ba người phụ nữ này ghé số 14 phố Báo Khánh ăn phở “treo”. Trước khi biết đến phở “treo”, bà Ngà chỉ dám ăn cơm nguội, có những hôm phải để bụng đói.
“Phở ở đây được cô chủ nấu ngon và đầy đặn lắm,” bà Ngà chia sẻ với Mekong ASEAN.
Một vị khách khác là bà Nguyễn Thị Ngoạt (70 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) làm quét dọn vệ sinh thời vụ. Mỗi ngày bà phải đạp xe hơn chục cây số lên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để làm việc, ngày công của bà dao động 50.000-100.000 đồng nên bà chỉ dám ăn bánh mì hay nắm xôi 5.000 đồng.
Kể về lần đầu ăn phở “treo”, bà Ngoạt đắn đo vì chưa bao giờ nghe thấy mô hình này bao giờ, lại băn khoăn không biết người ta có thu tiền không. “Sau khi được nghe giải thích về mô hình phở treo, tôi mới dám vào ăn. Cũng phải lâu lắm rồi tôi mới được ăn bát phở ngon đến thế,” bà Ngoạt nói.
Không dám bỏ tiền để ăn một bát phở có lẽ là điểm chung của nhiều người lao động chân tay như bà Ngoạt, cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn đang chật vật mưu sinh qua ngày.
Bên cạnh mô hình phở "treo", chị Lệ cũng đang triển khai song song hai dự án: Bát cơm nhân ái và tủ thuốc miễn phí. Toàn bộ số tiền ủng hộ của khách ăn ở quán sẽ được dùng vào việc chuẩn bị suất cơm cho các bệnh nhân đang điều trị ở một số bệnh viện lớn, người già neo đơn hoặc người có hoàn cảnh khó khăn.