'Đối ngoại và ngoại giao khẳng định rõ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam'

Đối ngoại Việt nAM
09:09 - 17/12/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: BNG
0:00 / 0:00
0:00
Trước thềm Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về công tác ngoại giao sau 3 năm triển khai đường lối đối ngoại theo Đại hội XIII và kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 tới nay. 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021), tình hình thế giới và trong nước bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ và yêu cầu đối với công tác đối ngoại nặng nề hơn trước.

"Tuy nhiên, có thể khẳng định, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, công tác đối ngoại và ngoại giao đã khẳng định rõ bản sắc 'ngoại giao cây tre Việt Nam', là một 'điểm sáng' nổi bật trong thành tựu chung của đất nước", Bộ trưởng nhận định.

Bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức quán triệt và triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Cục diện đối ngoại rộng mở được củng cố vững chắc hơn, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trong thời gian qua, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có nhiều cuộc điện đàm và chuyến thăm thành công. Cụ thể, các lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống, trong đó có chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022).

Có gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9/2023).

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, những hoạt động đối ngoại này đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. "Khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả", Bộ trưởng nhận xét.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao

Đối ngoại đã phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù thế giới trải qua những biến động lớn, rất phức tạp, nhưng Việt Nam đã xử lý đúng đắn các vấn đề đối ngoại, quan hệ với các đối tác trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, hòa hiếu, đồng thời linh hoạt trong sách lược, ứng xử.

Đối ngoại cũng đi đầu huy động nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. "Ngoại giao vaccine" đã đóng góp trực tiếp vào thực hiện thắng lợi chiến lược tiêm chủng, tạo tiền đề cho đẩy lùi dịch Covid-19.

Việt Nam đã tranh thủ tốt các hiệp định thương mại tự do, các xu thế phát triển mới để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, khoa học - công nghệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một "điểm sáng" trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao khi được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên Hợp Quốc.

"Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đây là một hội nghị quan trọng không chỉ với ngành Ngoại giao, mà còn với đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.

Chủ đề của Hội nghị lần này là "Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Bên cạnh đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, Hội nghị sẽ kiểm điểm, đánh giá toàn diện kết quả hai năm triển khai vừa qua và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án quan trọng về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; từ đó đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm và các biện pháp cần tập trung triển khai đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo.

Hội nghị lần này cũng là dịp để ngành Ngoại giao trao đổi một số vấn đề lớn, vấn đề mới về đối ngoại để đóng góp vào tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đối ngoại trong thời kỳ Đổi mới.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.