Dòng bánh trung thu chay, truyền thống hút khách mùa cao điểm

Tiêu dùng HÀ NỘI
07:11 - 14/09/2023
Dòng bánh trung thu chay, truyền thống hút khách mùa cao điểm
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bánh trung thu đang vào mùa cao điểm với đa dạng mẫu mã, lựa chọn dành cho khách hàng. Đặc biệt, dòng bánh dành cho người ăn chay, ăn kiêng có sức hút lớn đối với người tiêu dùng và đang được bán khá chạy.

Tương tự nhiều năm gần đây, các quầy bánh trung thu của những thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Madame Hương... vẫn phủ kín các tuyến phố tại quận trung tâm Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm của Hà Nội.

Nơi tấp nập, chỗ đìu hiu

Mekong ASEAN ghi nhận thực tế tại nhiều điểm bán bánh trung thu cho thấy, thị trường năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, giúp người dân dễ dàng lựa chọn để làm quà, mang đi biếu tặng cho người thân, bạn bè.

Anh N.V.T, nhân viên bán hàng tại một đại lý của Kinh Đô cho biết: "Năm nay nguồn cung bánh trung thu khá đa dạng về chủng loại và mức giá nên khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn. Để đáp ứng nhu cầu của người dùng nên hãng có dòng bánh mặn, bánh chay và bánh cho người ăn kiêng. Còn mức giá cũng có nhiều phân khúc, từ 40.000-150.000 đồng/bánh tuỳ loại, mua theo hộp là 150.000-600.000 đồng/hộp tuỳ loại".

Càng gần đến tết Trung thu, đường Thuỵ Khuê, con phố nổi tiếng với các cửa hàng bánh trung thu truyền thống tại Hà Nội trở nên nhộn nhịp hơn. Tại các cơ sở sản xuất bánh trung thu lâu năm, chất lượng bánh được đánh giá cao nhờ hương vị truyền thống nên vẫn giữ được lượng khách quen lớn.

Tại cửa hàng bán bánh trung thu cổ truyền Bảo Phương, không khó bắt gặp hình ảnh người dân đứng chờ mua bánh. Ảnh: Hà Anh.

Tại cửa hàng bán bánh trung thu cổ truyền Bảo Phương, không khó bắt gặp hình ảnh người dân đứng chờ mua bánh. Ảnh: Hà Anh.

Chị T.T.L, người mua hàng đến từ quận Đống Đa cho biết: "Gia đình tôi, ai cũng thích hương vị truyền thống của bánh trung thu vì chúng mang một hương vị đặc trưng, khác hẳn so với các sản phẩm bánh trung thu công nghiệp nên tôi thường chọn những cửa hàng bánh trung thu cổ truyền để tới mua chứ không mua những nơi khác".

Đến mua bánh trung thu lúc đầu giờ chiều, anh Đ.M.T (trú tại quận Thanh Xuân) cho hay: "Năm nào cũng vậy, cứ gần đến dịp Trung thu là tôi phải tranh thủ đi mua bánh sớm chứ để sát ngày mới mua thì đông nghịt khách, có xếp hàng chắc cũng phải chờ hơn 30 phút".

Dọc con phố Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, có hàng chục hiệu bánh truyền thống lớn nhỏ mọc lên. Chị N.T.H, chủ một cơ sở bán bánh trung thu truyền thống trên đường Xuân Đỉnh chia sẻ: "Có lẽ vì bánh trung thu truyền thống luôn mang một đặc trưng riêng, hương vị cổ truyền độc đáo, cũng chính vì thế mà người dân Hà Nội vẫn luôn lựa chọn những dòng bánh truyền thống để ăn, mua làm quà biếu tặng".

Với hương vị cổ truyền độc đáo, mang đặc trưng riêng, sản phẩm bánh trung thu được sản xuất từ các cơ sở làm bánh này luôn được người dân Hà Nội ưa chuộng, lựa chọn mua làm quà biếu tặng vào dịp Tết Trung thu.

Với hương vị cổ truyền độc đáo, mang đặc trưng riêng, sản phẩm bánh trung thu được sản xuất từ các cơ sở làm bánh này luôn được người dân Hà Nội ưa chuộng, lựa chọn mua làm quà biếu tặng vào dịp Tết Trung thu.

Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh người dân tấp nập chờ mua hàng, trên các tuyến phố Liễu Giai, Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, Linh Đường, các ki-ốt bán bánh trung thu của một số thương hiệu Hữu Nghị, Kinh Đô, Madame Hương... lại chứng kiến lượng khách vào mua tại các gian hàng này lại rơi vào cảnh đìu hiu, ảm đạm.

Chị N.P.A, phụ trách kinh doanh tại một đại lý Omelia cho chia sẻ: "Mặc dù năm nay khởi động khá sớm, bày bán từ đầu tháng 7 âm lịch nhưng lượng khách mua nhưng số lượng sản phẩm bán ra mỗi ngày đều không cao, khách hàng chủ yếu là đến tham khảo giá và xem các mẫu hộp quà".

Theo chị N.P.A, phần lớn là do năm nay kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu hơn. Trung bình mỗi ngày, chị chỉ mới bán được khoảng 10 chiếc bánh trong khi trước đây, nhất là thời điểm đầu tháng 8 âm lịch, chị bán được 20-30 chiếc, thậm chí có năm một ngày phải 9 đến 10 khách cũng lựa chọn mua cả hộp để đem đi biếu tặng.

Lý giải nguyên nhân, chị N.M.T, chủ một cửa hàng kinh doanh bánh kẹo trên đường Xuân Đỉnh chia sẻ, năm nay giá nguyên liệu nhập vào tăng nhẹ, như bột mỳ, trứng hay hộp giấy trang trí tăng khoảng 10-20% nên kéo theo giá bánh trung thu cao hơn so với năm ngoái. Dù mức tăng không quá nhiều đối với những sản phẩm bình dân và cả sản phẩm bánh cao cấp, nhưng khách hàng đã mua nhiều năm có thể so sánh và dễ dàng nhận ra mức tăng này.

Các ki-ốt bán bánh trung thu trên nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Liễu Giai, Phạm Ngọc Thạch, Linh Đường "ảm đạm" chờ người mua. Ảnh: Hà Anh.

Các ki-ốt bán bánh trung thu trên nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Liễu Giai, Phạm Ngọc Thạch, Linh Đường "ảm đạm" chờ người mua. Ảnh: Hà Anh.

Đồng quan điểm, chị N.H.Y, chủ tiệm bánh ngọt trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) nói: "Khoảng vài năm trở lại đây, khách hàng có xu hướng mua bánh trung thu handmade trên mạng. Hơn nữa, nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, mặt hàng bánh trung thu đang có nhiều khuyến mãi hấp dẫn mà mẫu mã cũng đẹp, đa dạng. Điều này cũng là một trở ngại lớn đối với những cửa tiệm bán bánh như chúng tôi".

Bánh trung thu chay đang được ưa chuộng

Bánh nướng, bánh dẻo đậm đà, thảo thơm là những thức quà không thể thiếu để có một mùa Trung thu trọn vẹn. Tuy nhiên, lượng đường trong mỗi chiếc bánh lại khiến nhiều người phải e ngại. Cũng chính vì lý do đó mà, dòng bánh trung thu cho người ăn chay, ăn kiêng bắt đầu có sức hút lớn với người tiêu dùng.

Dòng bánh trung thu cho người ăn chay, ăn kiêng không phải sản phẩm mới xuất hiện gần đây. Trên thị trường Việt Nam đã có nhiều cơ sở sản xuất dòng bánh trung thu chay đến từ những thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Madame Hương... và cả những tiệm bánh nhỏ, bán online.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Đ.T.T.T, chủ cửa hàng bánh kinh doanh online cho biết, năm nay lượng khách tìm hiểu và hỏi mua bánh trung thu nhân chay tăng đáng kể. Đặc biệt là bánh trung thu có nhân thập cẩm chay, cốm dừa, đậu xanh, sầu riêng và trà xanh là những mặt hàng bán chạy trong năm nay. Từ đầu tháng đến nay, chị bán được khoảng 50-60 đơn đặt dòng bánh trung thu chay, tăng đáng kể so với các năm trước.

"Nhiều người có xu hướng tìm mua loại bánh nhân chay do phải ăn kiêng hoặc đơn giản chỉ là thích ăn. Tuy là mặt hàng phụ nhưng nhờ tính an toàn, đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên nên bánh trung thu chay ở cửa hàng tôi vẫn bán chạy và được nhiều người yêu thích", chị Đ.T.T.T nói thêm.

Về phía người tiêu dùng, chị N.D.H tại Hà Nội cho biết: "Bánh trung thu năm nào cũng đa dạng, nhiều mẫu mã nhưng thông thường lượng đường và chất béo đều cao. Không phải chỉ người tiểu đường, béo phì mà ngay cả những người bình thường khi ăn đều không có lợi cho sức khoẻ. Vì vậy, gia đình tôi luôn ưu ái lựa chọn những sản phẩm ít đường và các loại nhân như cốm dừa, đậu xanh sẽ phù hợp hơn với cả ông bà và con trẻ".

Ngoài ra, giá thành hợp lý cũng là một trong những lý do người tiêu dùng ưa chuộng dòng sản phẩm này. "Giá bánh nướng, bánh dẻo chay dao động từ 40.000-65.000 đồng/chiếc. So với chất lượng nguyên liệu đầu vào, thời gian cũng như công sức bỏ ra thì với giá thành như vậy tôi thấy rất hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều người", chị P.K.T, trú tại quận Hoàng Mai chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.