Đông Nam Á sẽ hưởng lợi du lịch nhờ chính sách nhập cảnh với khách Trung Quốc

DU LỊCH asean
12:10 - 06/01/2023
Du khách Trung Quốc chụp ảnh với tượng Merlion ở Singapore. Ảnh: AFP
Du khách Trung Quốc chụp ảnh với tượng Merlion ở Singapore. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Do không áp đặt các yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với du khách Trung Quốc như các nước châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á có khả năng sẽ trở thành bên hưởng lợi nhiều nhất về mặt du lịch ngay khi Trung Quốc mở cửa.

Sau một khoảng thời gian dài duy trì các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt, chính phủ Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa biên giới của mình từ 8/1. Động thái này dự kiến sẽ tạo nên một làn sóng khách du lịch Trung Quốc háo hức được đặt chân tới nhiều nơi.

Nhằm ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại và sự xuất hiện của một biến thể mới, hàng loạt quốc gia đã yêu cầu du khách Trung Quốc nhập cảnh bằng đường hàng không xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia hay Singapore lại không áp dụng các biện pháp hạn chế này.

Ngoại trừ việc xét nghiệm chất thải trên máy bay tại Malaysia và Thái Lan, tất cả các quốc gia trong khu vực đều đối xử với du khách Trung Quốc như bất kỳ du khách từ bất kỳ quốc gia nào khác. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định quốc gia của ông “không có lập trường phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia nào”.

Theo Reuters trích dẫn nhà kinh tế học Song Seng Wun của CIMB, nhiều khách du lịch Trung Quốc mới du lịch trở lại sẽ có xu hướng lựa chọn những điểm đến “ít phức tạp” nhất và hướng đến các điểm đến không yêu cầu xét nghiệm. Vì vậy, Đông Nam Á có khả năng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Về nguyên nhân cho các chính sách mở cửa với du khách Trung Quốc, nhiều chính phủ Đông Nam Á không cho rằng việc này sẽ tạo nên nguy cơ sức khỏe với cộng đồng. Theo chính phủ Singapore, người dân nước này có khả năng miễn dịch dân số cao do có khoảng 40% dân số đã nhiễm Covid-19. Trên hết, năng lực chăm sóc sức khỏe của quốc gia này tương đối tốt trong khi tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ lên tới 83%.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen thậm chí còn tuyên bố rằng các yêu cầu xét nghiệm đã “đe dọa người dân”, đồng thời cho biết Campuchia luôn chào đón du khách Trung Quốc.

Trong khi đó tại Bali, chủ tịch hội đồng du lịch Ida Bagus Agung Parta, cho biết việc đón chào du khách Trung Quốc sẽ "tăng cường khả năng phòng vệ” của nơi này trong bối cảnh người dân sẽ được tiêm liều vaccine tăng cường thứ 2 trong tháng này.

Du khách Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Du khách Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, sự quan tâm của du khách Trung Quốc tới khu vực Đông Nam Á gia tăng ngay cả trước khi các quốc gia yêu cầu xét nghiệm. Dữ liệu từ một cuộc khảo sát hồi tháng 12 bởi triển lãm thương mại ITB China cho thấy có tới 76% các công ty du lịch Trung Quốc xếp Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu khi du lịch nước ngoài được nối lại.

Đông Nam Á cũng là nơi có nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong suốt khoảng thời gian đại dịch khi vắng bóng du khách Trung Quốc. Tại nhiều địa điểm du lịch như các bãi biển, trung tâm thương mại và casino trong khu vực, khách du lịch Trung Quốc chiếm lượng lớn du khách quốc tế.

Để hình dung, số liệu của Citi cho thấy vào năm 2019, có tổng cộng 155 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài và chi tiêu một khoản tiền khổng lồ lên tới 254.6 tỷ USD – tương đương GDP của New Zealand năm 2021.

Trong năm 2023, Thái Lan dự kiến đón 5 triệu du khách Trung Quốc, tương đương với 1 nửa trong số 10,99 triệu lượt nước này từng đón trong năm 2019. Nước láng giềng Malaysia dự kiến đón 1,5 triệu đến 2 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay so với 3 triệu trước đại dịch.

Đọc tiếp