Du khách nội địa có xu hướng đi du lịch ngắn ngày gần thành phố

DU LỊCH Việt nAM
14:30 - 12/01/2022
Du khách nội địa có xu hướng đi du lịch ngắn ngày gần thành phố
0:00 / 0:00
0:00
90% người dân được hỏi đều muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, tuy nhiên họ đều lo ngại sẽ phải thực hiện cách ly y tế ở điểm đến hoặc khi quay trở về nhà. Đa số du khách được hỏi cũng cho biết sẽ đi du lịch gần Hà Nội và TP HCM.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, các hoạt động du lịch bị hạn chế tối đa do dịch bệnh. Vì vậy, khi du lịch được mở cửa trở lại, nhu cầu của người dân như “lò xo bị nén” chỉ chờ bật ra. Tuy nhiên, những lo ngại về dịch bệnh vẫn là rào cản đối với triển vọng phục hồi nhu cầu cũng như ngành du lịch tại Việt Nam.

Tiềm năng nằm ở nhóm khách du lịch nội địa

Một nghiên cứu mới đây về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19 tại Việt Nam diễn ra trong tháng 12, cho thấy gần 90% số người được hỏi muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó có tới 53,7% muốn đi du lịch ngay trong giai đoạn từ tháng 12/2021 tới các tháng đầu năm 2022, thể hiện nhu cầu "lò xo bị nén" có thể bật mạnh.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Tourism Advisory Board (TAB) cho biết, nhóm đã phân tích câu trả lời của 10.717 người từ cuộc khảo sát để làm căn cứ xây dựng những đề xuất, kiến nghị thực tiễn nhất trình Thủ tướng Chính phủ và gửi thông điệp cho các doanh nghiệp du lịch.

Đặc biệt, kết quả chỉ ra rất ít du khách (3%) muốn chờ đợi đi du lịch cho đến khi có thẻ xanh Covid-19.

Khảo sát cho thấy, du lịch ngắn ngày và nhóm nhỏ là ưu tiên, khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày; 78% chọn đi theo nhóm gia đình, nhất là du khách Hà Nội (59%) hoặc nhóm bạn bè. Từ xu hướng này, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định đây là cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3-4 tiếng chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Xu hướng khách đi du lịch ngắn ngày được thể hiện qua 3 cuộc khảo sát vào 3 thời điểm khác nhau: tháng 9/2020 là 3,9 ngày; tháng 3/2021 là 3,9 ngày; tháng 12/2021 là 4,1 ngày. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực được thể hiện khi so với 2 cuộc khảo sát trước, lần khảo sát này, độ dài trung bình được khách lựa chọn dài hơn (4,1 ngày). Điều đó cho thấy, bất chấp mức độ căng thẳng của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, khách du lịch nội địa vẫn có tinh thần tương đối lạc quan, lựa chọn du lịch dài ngày hơn.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, xu hướng đi du lịch theo nhóm gia đình, một mình đã tăng lên, còn đi theo nhóm bạn bè hoặc theo tour có xu hướng giảm.

“Chúng tôi muốn đưa thông tin một cách đầy đủ, chính xác, để các công ty du lịch nhìn nhận thấy xu hướng và sẽ phải tự tìm cách để thay đổi mình, kéo lại thị trường cho mình”, Trưởng Ban thư ký TAB chia sẻ.

Cũng theo khảo sát, đi du lịch bằng máy bay và xe riêng là ưu tiên với 65% du khách, nhất là du khách Hà Nội và TP.HCM vẫn có xu hướng lựa chọn đi du lịch bằng máy bay. Do tác động của dịch Covid-19 nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung bị giảm (cả máy bay và xe khách giảm 10%), trong khi nhu cầu đi xe riêng tăng lên 8%.

Đối với loại hình du lịch, khách hàng ưu tiên lựa chọn khám phá thiên nhiên (56%), nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn như trước đây. Ngoài ra, phần lớn vẫn có nhu cầu thưởng thức ẩm thực (47%) luôn là ưu tiên của du khách Việt, nhất là khách du lịch các tỉnh.

Về xu hướng đặt dịch vụ, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, du khách đặt trực tuyến dịch vụ du lịch luôn là ưu tiên hàng đầu, với con số khoảng 43%. Lời khuyên được đưa ra cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Du khách Hà Nội (44%) và các tỉnh (46%) đặt trực tiếp nhiều hơn, còn du khách TP.HCM đặt trực tuyến nhiều hơn, chiếm khoảng 50%.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, nhu cầu của khách du lịch là có, rất lớn và mạnh. Song, làm sao để biến được nhu cầu của khách du lịch trở thành sự phục hồi của du lịch nội địa, cũng như của du lịch nói chung, đó là nhiệm vụ của ngành du lịch và của những người phục vụ trong ngành. Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các địa phương là rất cần thiết để biến nhu cầu này thành hiện thực.

An toàn là yếu tố hàng đầu

Trước tác động của dịch bệnh, phần lớn du khách lựa chọn đi du lịch theo hai ưu tiên gồm mức độ an toàn và giá tương xứng.

Tiêu chí “an toàn dịch bệnh” là mối ưu tiên cao nhất của du khách khi lên các kế hoạch đi du lịch trong điều kiện bình thường mới, với 56% số người lựa chọn, nhiều hơn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch.

Trong đó du khách lo ngại nhiều nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%), nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính cho biết: “Du khách vẫn lo ngại nhất là bị cách ly khi đi và đến điểm du lịch và dịch bùng phát khi đang đi du lịch. Các điểm đến, nếu địa phương còn áp dụng cách ly trên diện rộng thì đồng nghĩa với việc không thể có du lịch nội địa nữa. Do đó rất cần phải có biện pháp thích ứng linh hoạt để khách vẫn đi du lịch mà vẫn giữ được an toàn”.

Tuy nhiên, so sánh khảo sát vào 3/2021 và 12/2021 cho thấy sự quan tâm đến sự an toàn trong dịch bệnh có xu hướng giảm, trong khi mối quan tâm đến việc giảm giá tăng lên. Ở đây, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng khách du lịch nội địa vẫn khá nhạy cảm với chính sách giảm giá.

Bàn về câu chuyện giá cả, bà Trần Nguyện đại diện Tập đoàn Sun Group cho rằng, lạm dụng quá nhiều việc giảm giá sẽ đẩy doanh nghiệp vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh, giảm chất lượng sản phẩm và khiến khách hàng chờ đợi tâm lý giảm giá mới đi.

Bên cạnh đó, giá mặt bằng du lịch hiện đã xuống “đáy”, bản chất giảm nhưng câu chuyện đưa ra không phải là giảm. “Để ngành du lịch phát triển ổn định và bền vững, ngoài sự chủ động, biết nhìn nhận của doanh nghiệp, vai trò dẫn dắt thái độ đi du lịch của khách hàng phụ thuộc rất lớn vào công tác truyền thông”, bà Nguyện nhấn mạnh.

Gỡ khó cho du lịch Việt

Đại diện cho nhóm khảo sát, ông Hoàng Nhân Chính cũng đưa ra những kiến nghị phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới.

Trước xu hướng khách du lịch không chấp nhận bị cách ly, Chính phủ, các địa phương cần thống nhất áp dụng, kiên định theo Nghị quyết 128, và theo như ông Chính nhận định: “Không thể bình thường mới ở địa phương này, khác với bình thường mới ở địa phương khác”.

Cần cung cấp thường xuyên thông tin du lịch an toàn cho du khách. Nguồn: Internet.

Cần cung cấp thường xuyên thông tin du lịch an toàn cho du khách. Nguồn: Internet.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên. Cung cấp thông tin du lịch an toàn, bởi thực tế hiện nay khách du lịch đang “đói” thông tin.

“Khách rất đói thông tin. Khác với các nước du lịch, khi chúng tôi tìm hiểu để đi du lịch Thái Lan, Singapore hay EU thì chỉ cần vào một địa chỉ website là có ngay các thông tin như khi đi du lịch tới đây cần điều kiện gì, có cần tiêm chủng không, có phải cách ly không. Nhưng ở Việt Nam, việc tìm thông tin này vẫn khó nhưng là nhu cầu của khách nội địa”, ông Hoàng Nhân Chính chia sẻ.

Ngoài ra, cần thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong du lịch ở cả 3 cấp độ, gồm trung ương, địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo sự kết nối và đồng bộ. Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên kế hoạch này cho tất cả các bên cùng thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp du lịch, ông Chính đề xuất các doanh nghiệp cần có những thay đổi, biện pháp để tìm ra thị trường tốt nhất, đánh giá lại sản phẩm du lịch. Cần xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch ngắn ngày, theo nhóm nhỏ, và giá cả phải tương xứng với chất lượng

Bên cạnh đó tập trung truyền thông về du lịch an toàn, du lịch xanh, khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm.

Tin liên quan

Đọc tiếp