Dự kiến hoàn tất giải ngân 6.600 tỷ đồng gói hỗ trợ thuê nhà trong tháng 6

LAO ĐỘNG Việt nAM
11:20 - 28/05/2022
Dự kiến hoàn tất giải ngân 6.600 tỷ đồng gói hỗ trợ thuê nhà trong tháng 6
0:00 / 0:00
0:00
Gần hai tháng sau khi quyết định về gói hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà được phê duyệt, nhưng tốc độ giải ngân tại các địa phương vẫn rất chậm khi đến nay mới thực hiện hỗ trợ được hơn 4 tỷ đồng, cho 10.000 lao động.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững", khi đề cập về bức tranh bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Chẳng hạn như Nghị quyết 42/NQ-CP hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công.

Đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-CP, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ cả doanh nghiệp. Tổng tất cả những chính sách này, Nhà nước đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương còn ban hành thêm chính sách riêng để hỗ trợ người lao động tự do, những đối tượng lao động đặc thù mà Nghị quyết của Trung ương chưa phủ đến. Qua khảo sát, hầu hết các đối tượng đã được hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Người lao động có an sinh tốt hơn, người sử dụng lao động có điều kiện vượt qua khó khăn.

“Có thể thấy rằng, qua COVID-19, nhờ có an sinh xã hội đã giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế - xã hội. Trải qua 2 năm COVID-19, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc dừng hoạt động, dẫn đến một loạt người lao động bị mất việc làm. Các chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất, giúp cho người lao động có việc làm trở lại”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh thông tin.

Ông cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã được vay vốn và hỗ trợ cho 1,2 triệu người lao động, với kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng. Qua đánh giá của các doanh nghiệp, nguồn hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp có nguồn kinh phí để trả lương, giữ chân người lao động. Thời gian qua, số người lao động ngừng việc, thất nghiệp giảm đi là nhờ có chính sách này.

Bên cạnh đó, hậu đại dịch gây nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng lao động, nhưng thời gian vừa qua số người lao động bị ngừng việc, thất nghiệp đã giảm, đó là đi nhờ các chính sách này giữ chân người lao động. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng thông tin về tình trạng chậm giải ngân chương trình hỗ trợ hiện nay. Theo đó, tổng số lao động dự kiến được hỗ trợ khoảng 3,4 triệu người nhưng tới nay các địa phương mới hỗ trợ được khoảng 10.000 lao động, với tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Việc hỗ trợ chậm cho người lao động một phần do một số địa phương muốn dồn hỗ trợ 3 tháng 1 lần cho người lao động.

Ảnh tác giả

Cơ bản trong tháng 6 các địa phương sẽ thực hiện hỗ trợ người lao động và sẽ kết thúc hỗ trợ vào tháng 8 năm nay. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đôn đốc các địa phương trong tháng 6 phải hoàn thành kế hoạch hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Về lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh cho rằng, cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao cho Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp, đồng thời huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, để xây dựng nhà ở cho người lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Về gói hỗ trợ lao động tiền thuê nhà

Tại Quyết định 08 ban hành ngày 28/3, Chính phủ quyết định hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đang ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2 đến 30/6.

Đồng thời, người lao động phải có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4, đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Theo quy trình, kể từ khi gửi đơn đăng ký nhận hỗ trợ tiền thuê trọ, người lao động mất tối thiểu 11 ngày để nhận được hỗ trợ.

Đồng thời, để thúc đẩy người lao động quay lại thị trường, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng tiền thuê nhà trọ với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu chế xuất hoặc khu vực kinh trọng điểm; đang ở thuê, ở trọ từ 1/4 đến ngày 30/6.

Thời hạn hỗ trợ 3 tháng, phương thức chi trả theo từng tháng.

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.