Du lịch mở cửa thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng đón sóng thị trường

DU LỊCH BẤT ĐỘNG SẢN
21:00 - 28/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Việc Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế vào giữa tháng 3 đang được coi là cơ hội lớn để ngành du lịch hồi phục sau 2 năm đóng băng. Các nghiên cứu thị trường mới nhất tin rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn trong năm nay. 

Du lịch nội địa sẽ giữ vai trò then chốt

Trải qua 2 năm “đóng băng”, ngành du lịch gần đây đang đón nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực hơn. Lệnh nới lỏng giãn cách xã hội từ tháng 10/2021 giúp bức tranh toàn cảnh ngành du lịch quý 4 thêm phần khả quan. Nhiều dịch vụ quay trở lại hoạt động và các đường bay trong nước được nối lại.

Theo báo cáo của Savills, trong tháng 12/2021, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 8.383 chuyến bay, tương đương với mức tăng trưởng 538% so sánh với 1.311 chuyến bay trong tháng 9/2021.

Đà phục hồi của ngành du lịch trở nên rõ rệt hơn khi bước sang những ngày đầu của năm 2022. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ riêng 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022, Việt Nam đã có 6,1 triệu lượt du khách nội địa, doanh thu ước tính hơn 25.000 tỷ đồng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2 cũng cho thấy, nhu cầu du lịch nội địa tăng khiến doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm nay lên tới 2.012 tỷ đồng, đạt 89% so với cùng kỳ năm 2021. Điển hình tại một số địa phương như Khánh Hòa có mức tăng 466,2%; Lạng Sơn tăng 16,3%; Cần Thơ tăng 4,8%; Hà Nội tăng 3,5%...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng tăng theo trong 2 tháng đầu năm 2022, thu về 82.270 tỷ đồng, đạt 98,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức doanh thu tăng đáng kể như Bắc Ninh tăng 39,6%; Khánh Hòa tăng 22,1%; Bình Định tăng 20,1%; Phú Yên tăng 17,5%; Hà Nội tăng 12,7%; Quảng Ninh tăng 7,5%...

Những chỉ số trên thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của du lịch nội địa trong giai đoạn mở cửa sống chung với đại dịch.

Tín hiệu khả quan hơn cho bất động sản nghỉ dưỡng

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi từ sự hồi phục phần nào của du lịch trong nước. Nghiên cứu của Savills ghi nhận sự cải thiện trong công suất cho thuê và giá thuê trung bình phân khúc khách sạn trong những tháng cuối năm 2021. Giá thuê trung bình trong quý 4/2021 khoảng 1.800.000 VNĐ/phòng/đêm, tăng 6% theo quý và 12% theo năm.

Theo Savills, giá thuê trung bình năm 2021 giảm 9% theo năm xuống mức 1.680.000 VNĐ/phòng/đêm. Doanh thu phòng trung bình năm 2021 cao nhất cho phân khúc khách sạn 5 sao, đạt 580.000 VNĐ/phòng/đêm với nguồn cầu ổn định từ khách doanh nhân và khách ở dài hạn.

Nguồn: Báo cáo thị trường Hà Nội quý 4/2021 của Savills

Nguồn: Báo cáo thị trường Hà Nội quý 4/2021 của Savills

Nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội cũng đang ghi nhận đà tăng, tính từ năm 2022 trở đi.

Từ 2022 – 2023, 13 dự án với 2.900 phòng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động, trong đó 8 dự án với khoảng 2.300 phòng thuộc phân khúc khách sạn 5 sao. Khu vực nội thành dẫn đầu nguồn cung tương lai với 54%. Các thương hiệu lớn bao gồm Accor, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink.

Từ 2023 trở đi, 50 dự án dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động, theo báo cáo của Savills.

Chia sẻ về triển vọng tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực miền Bắc, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết: "Bàn về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của miền Bắc, bên cạnh các thành phố phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, chúng tôi nhận thấy số lượng lớn dự án đang được phát triển ở các vùng ngoại thành và xung quanh thành phố Hà Nội như Hoà Bình và Thanh Hoá".

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội

Xu hướng này cũng khá dễ hiểu, bởi việc di chuyển của người dân tới các quận/huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vào hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, người dân cũng sẽ lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh Hà Nội vào những ngày cuối tuần.

Vì vậy, Savills đang rất kỳ vọng vào những dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực lân cận này.

Đặt yếu tố nội địa làm động lực phát triển chính, ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy tình hình hoạt động khả quan trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Savills cũng nhấn mạnh vào nguồn khách quốc tế với vai trò như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự bật dậy của thị trường du lịch Việt Nam.

Du lịch quốc tế chính thức mở cửa trở lại

Theo kế hoạch của Chính phủ, các đường bay quốc tế sẽ hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3, đi kèm chương trình “Hộ chiếu vaccine”. Với 79 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine tính đến ngày 16/2, quyết định mở cửa du lịch toàn quốc được kỳ vọng thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt 29,5 nghìn lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49,2 nghìn lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam là điểm đến có sự tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu xét theo dữ liệu tìm kiếm gần đây về du lịch. Nguồn: Google Destination Insights

Việt Nam là điểm đến có sự tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu xét theo dữ liệu tìm kiếm gần đây về du lịch. Nguồn: Google Destination Insights

Theo thống kê của Google Destination Insights, từ đầu tháng 12/2021 đến nay, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế nhiều nhất về du lịch Việt Nam đến từ các quốc gia Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Canada, Ấn Độ, Anh…

Lượng tìm kiếm đối với hàng không và cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam tăng trên 75%, mức tăng cao nhất trên toàn cầu. Trong đó, các điểm đến có mức tìm kiếm tăng trên 75% là TP HCM, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Nẵng, Vinh, Huế, Quy Nhơn.

Nhu cầu tìm kiếm về hàng không của du khách quốc tế đến Việt Nam. Nguồn: Google Destination Insights

Nhu cầu tìm kiếm về hàng không của du khách quốc tế đến Việt Nam.

Nguồn: Google Destination Insights

Trong đó, đặc biệt là nhu cầu tìm kiếm về hàng không. Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam đang tăng rất nhanh, vào thời điểm đầu tháng 1/2022 tăng khoảng 247% so với cùng kỳ, đến đầu tháng 2/2022 tăng 425% và đến giữa tháng 2/2022 tăng vọt tới 654% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam đặt mục tiêu có 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022. Nếu các chương trình thí điểm thành công, Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 2022 có thể giúp lượng du khách quốc tế tăng mạnh mẽ.

Ưu tiên khách du lịch từ châu Á có thể sẽ đem lại lợi ích cho ngành du lịch Việt Nam. Trong năm 2021, hầu hết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là khách châu Á (132.800 người), theo sau là châu Âu (16.000 người). Du khách từ các nước châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, là nguồn du khách quốc tế chính.

Du lịch mở cửa khiến thị trường bất động sản nhộn nhịp hơn

Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các nước khác cũng sẽ làm thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.

Nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu 2021 và tăng lên 84% trong hai quý còn lại.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam

"Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại quốc gia. Một khi đường bay quốc tế được nối lại hoạt động, họ sẽ đến Việt Nam để công tác dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ quay trở lại đà tăng trưởng như trước".

Theo Khảo Sát Người Mua Toàn Cầu năm 2021, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí, và không gian xanh là những tiêu chí hàng đầu để người dân lựa chọn nơi sinh sống. Bởi vậy, Savills dự đoán những căn hộ dịch vụ thương hiệu sẽ có lợi thế lớn khi sở hữu những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm báo an toàn và nâng cao sức khỏe của cư dân tại dự án.

Với nguồn cầu sẵn từ trong nước và quốc tế, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ cùng diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp