Nga tăng kiểm soát vốn nhằm hạn chế tác động lệnh trừng phạt

KINH TẾ NGA
13:30 - 01/03/2022
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Getty Images
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm đối phó với sự cô lập ngày càng sâu sắc về kinh tế, ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất hôm 28/2, đồng thời đưa ra một số biện pháp kiểm soát vốn nhằm hỗ trợ đồng rub đang trượt giá.

Các hạn chế của phương Tây đang gây ra được nhiều sự ràng buộc hiệu quả lên Ngân hàng Trung ương Nga. Đồng thời, nó cũng thể hiện được sự dữ dội của các lệnh cấm vận và sự thành công của các đồng minh phương Tây trong việc hạn chế khả năng triển khai dự trữ vàng và ngoại hối trị giá 640 tỷ USD của Nga.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina hôm qua cho biết: "Ngân hàng Trung ương hôm nay đã tăng tỷ giá chủ chốt lên 20% khi các lệnh trừng phạt mới gây ra sự chênh lệch đáng kể đối với tỷ giá đồng rub, và hạn chế các lựa chọn của Ngân hàng Trung ương trong việc sử dụng vàng và dự trữ ngoại hối".

Bà cũng bổ sung thêm Ngân hàng Trung ương do đó đã phải tăng tỷ giá để bồi thường cho người dân vì rủi ro lạm phát gia tăng. Trước đó, trừng phạt kinh tế từ phương Tây đã khiến đồng rub giảm gần 30% xuống mức kỷ lục. Sau khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất từ mức 9,5% lên tới 20% - mức cao nhất trong cả thế kỷ này, đồng tiền này đã trở nên ổn định hơn. Kết thúc giao dịch, đồng rub giảm khoảng 14% so với USD.

Trước đó ngày 24/2, cơ quan này cũng đã bán 1 tỷ USD trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên bà Nabiullina cho biết sẽ không tiếp tục can thiệp vào ngày 28/2. Điều này cho thấy đồng rub còn được hỗ trợ bởi các yếu tố thị trường chưa rõ khác.

Trong cùng ngày 28/2, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các công ty xuất khẩu, bao gồm một số tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới như Gazprom và Rosneft, bán 80% doanh thu ngoại hối của mình trên thị trường. Nguyên nhân do khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ của ngân hàng trung ương đã bị hạn chế.

Theo ước tính của Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của Locko Invest, các nhà xuất khẩu Nga có thể cung cấp khoảng 44 tỷ USD tới 48 tỷ USD mỗi tháng để hỗ trợ đồng rub với điều kiện giá dầu vẫn ở mức hiện tại và không có lệnh trừng phạt nào đối với xuất khẩu năng lượng. Điều này sẽ đủ để ổn định thị trường trong vài tuần tới. Tuy nhiên, Thư ký truyền thông Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga hiện vẫn đang được bỏ ngỏ.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ và Anh đã cấm công dân hoặc tổ chức của mình giao dịch với Ngân hàng Trung ương, Quỹ Tài chính Quốc gia của Nga hoặc Bộ Tài chính Nga. Thụy Sĩ, một nước trung lập, cũng cho biết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu với những công dân Nga liên quan tới các hành động quân sự tại Ukraine, đồng thời đóng băng tài sản của họ.

Hôm 28/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo chi nhánh châu Âu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, có khả năng sẽ phải đóng cửa sau đợt giảm tiền gửi lớn được tạo nên bởi phản ứng dữ dội từ những hành động quân sự của Nga.

Các ngân hàng lớn của Nga cũng đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến các công ty và người cho vay khó thực hiện và nhận các khoản thanh toán. Do lo ngại các lệnh trừng phạt có thể gây ra tình trạng thiếu tiền mặt và làm gián đoạn thanh toán, người Nga đã xếp hàng dài bên ngoài các máy ATM vào 27/2 để rút tiền.

Theo bà Nabiullina, Nga đã có một giải pháp thay thế nội bộ cho SWIFT mà các đối tác nước ngoài có thể kết nối. Tuy nhiên bà không cho biết thêm bất kì chi tiết nào về hệ thống này. Hơn nữa, bà khẳng định các ngân hàng vẫn sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình và tiền trong tài khoản của khách hàng vẫn an toàn.

Bà cho biết khu vực ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với “thâm hụt cơ cấu về thanh khoản” do nhu cầu tiền mặt cao, nhưng Ngân hàng Trung ương luôn sẵn sàng hỗ trợ. Cơ quan này sẽ linh hoạt sử dụng bất kỳ công cụ nào cần thiết để giúp các ngân hàng có đủ khả năng huy động vốn.

Bà Nabiullina cũng cho biết các quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo sẽ dựa trên đánh giá về các rủi ro bên ngoài, đồng thời bổ sung thêm ngân hàng sẽ linh hoạt trong các quyết định của mình, trong bối cảnh "tình hình phi tiêu chuẩn" mà hệ thống tài chính và nền kinh tế đang phải đối mặt.

Thống đống Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Thống đống Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Đón đánh nặng nề nhất từ trước tới giờ vào thị trường chứng khoán Nga

Ông Oliver Allen thuộc Capital Economics nhận định: “Nếu Nga vẫn tiếp tục con đường hiện tại của mình, các biện pháp trừng phạt hiện tại có thể chỉ là bước đầu trong hàng loạt những sự cắt đứt lâu dài các mối quan hệ kinh tế và tài chính của Nga với thế giới”.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết giao dịch cổ phiếu và các giao dịch phái sinh trên sàn giao dịch Moscow sẽ vẫn đóng cửa trong 2 ngày đầu tuần để ngăn chặn các khoản lỗ tiếp theo.

Từ 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cấm các khoản vay ngoại hối và chuyển khoản ngân hàng của người dân Nga ra quốc tế nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Moscow. Ngân hàng Trung ương cũng tạm thời cấm các công ty môi giới Nga bán chứng khoán do người nước ngoài nắm giữ dù không nêu rõ tài sản áp dụng lệnh cấm. Việc chính phủ yêu cầu các công ty môi giới tại Nga từ chối bán chứng khoán Nga cho các khách hàng nước ngoài có thể cản trở kế hoạch của Na Uy và Australia nhằm giảm bớt sự tiếp xúc với các công ty niêm yết của Nga.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một nhóm thương mại đại diện cho các ngân hàng lớn, đã đưa ra cảnh báo rằng Nga rất có khả năng vỡ nợ nước ngoài và nền kinh tế của nước này sẽ suy giảm hai con số trong năm nay sau các biện pháp trả đũa mới của phương Tây.

Khi được liên hệ, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga đã không trả lời các yêu cầu đưa ra bình luận.

Trong khi đó, làn sóng các tập đoàn lớn đang rời khỏi Nga đã diễn ra. Tập đoàn năng lượng BP – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga – sẽ từ bỏ cổ phần của mình tại công ty dầu khí nhà nước Rosneft với chi phí lên tới 25 tỷ USD. Theo một nguồn tin ẩn danh, JPMorgan Asset Management đã đình chỉ quỹ JPM Emerging Europe Equity hôm 28/2. Quỹ Danske Invest của Đan Mạch cũng cho biết đã đình chỉ giao dịch với các quỹ đầu tư có sở hữu phần lớn cổ phần của Nga.

Ngân hàng HSBC và công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, AerCap, cũng nằm trong số các công ty phương Tây đang tìm cách rút khỏi Nga. Tại Anh, cổ phiếu lưu ký niêm yết của các công ty Nga giảm mạnh, bao gồm cả cổ phiếu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom và ngân hàng Sberbank.

Michael Kart, một đối tác tại công ty đầu tư VLG Capital, cho biết: "Đây chắc chắn là đòn đánh nặng nề nhất từng xảy ra đối với thị trường chứng khoán Nga."

Tin liên quan

Đọc tiếp