Fed trước 'ngã ba đường' và quan điểm của NHNN Việt Nam

FED LẠM PHÁT
10:12 - 09/12/2021
Fed trước 'ngã ba đường' và quan điểm của NHNN Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Fed - sau nhiều tháng nhận định sai với quan điểm lạm phát là vấn đề nhất thời của nền kinh tế - đang có nguy cơ tiếp tục mắc sai lầm khi đảo chiều chính sách tiền tệ quá sớm.

Ngân hàng quyền lực nhất thế giới trước nhiều ngã rẽ

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng trước của Ủy ban thị trường Mở (FOMC), các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thận trọng đưa ra một lộ trình thu hẹp gói mua tài sản (còn gọi là nới lỏng định lượng - QE) trị giá 120 tỷ USD hàng tháng, với mức thu hẹp 15 tỷ USD/ tháng.

Với lộ trình này, chương trình mua tài sản dự kiến sẽ khép lại vào tháng 6 năm sau, qua đó mở đường cho việc tăng lãi suất vào khoảng đầu năm 2023.

Lộ trình cắt giảm quy mô gói QE trước đây của Fed dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2022 (Nguồn: FOMC)

Lộ trình cắt giảm quy mô gói QE trước đây của Fed dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2022 (Nguồn: FOMC)

Nhưng giờ đây, hàng loạt tín hiệu đáng báo động về lạm phát cũng như sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới Omicron khiến thị trường dự báo Fed có thể tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp gói QE từ tháng tới, buộc gói này kết thúc vào khoảng tháng 3/2022 để mở đường cho tiến trình tăng lãi suất trở lại ngay từ tháng 6/2022.

Nếu cuộc họp chính sách tiền tệ của FOMC vào tuần tới diễn ra đúng như kịch bản dự báo của thị trường, nó sẽ đánh dấu một bước chuyển chính sách quan trọng của Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới một lần nữa.

Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell gây bất ngờ với tuyên bố đã đến lúc ngưng sử dụng từ “tạm thời” khi nói về vấn đề lạm phát. Tuyên bố này đảo ngược lập trường lâu nay của Fed và bản thân ông Powell rằng lạm phát chỉ là rủi ro nhất thời của nền kinh tế và đà tăng giá cả sẽ hạ nhiệt ngay khi nền kinh tế phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu bớt gián đoạn. Đáng chú ý, động thái này chỉ là 1 trong 3 lần thay đổi lập trường chính sách tiền tệ quan trọng của Fed trong 3 năm qua.

Trước đó vào năm 2018, Fed từng tuyên bố duy trì chính sách tăng lãi suất nhằm bình thường hóa chuẩn lãi suất ở một nền kinh tế mà cựu Tổng thống Trump khi đó ca ngợi là “tốt nhất mọi thời đại”. Bước sang năm 2019, Fed buộc phải đảo ngược lập trường, tiến hành cắt giảm lãi suất khi xu hướng suy yếu kinh tế toàn cầu xuất hiện. Các quan chức Fed trấn an thị trường vào cuối năm 2019 rằng mức cắt giảm như thế là đủ và Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tương lai gần.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện, Fed buộc phải tiếp tục cắt giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế khiến bảng cân đối kế toán mở rộng thêm hơn 4 nghìn tỷ USD. Vào cuối năm đó, Fed cam kết sẽ tập trung vào các nỗ lực duy trì việc làm, hỗ trợ kinh tế thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng và sẵn sàng chịu đựng mức lạm phát cao.

Cho đến tuần trước, Fed tiếp tục chuyển hướng với tuyên bố ngụ ý sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ.

Điều ông LaVogna lo lắng là Fed - sau nhiều tháng trời sai lầm với quan điểm lạm phát là vấn đề nhất thời của nền kinh tế - lại tiếp tục mắc sai lầm khi đảo chiều chính sách tiền tệ quá sớm. Điều này có thể buộc Fed phải thay đổi lập trường và nới lỏng trở lại vào năm tới nếu xu hướng lạm phát hiện tại kết thúc.

Ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ tại Natixis đồng thời là người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump nhận định, sự thay đổi lập trường thường xuyên của Fed có thể sẽ khiến thị trường phải nghi ngờ về uy tín của cơ quan này trong tương lai.

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới luôn định vị bản thân như một cơ quan dự báo và điều tiết chính sách tiền tệ dẫn đường cho thị trường và công chúng. Mọi hành động của Fed được xem là “bản đồ” đáng tin cậy cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia thị trường. Nhưng những diễn biến kinh tế phức tạp và sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã khiến Fed khó khăn thấy rõ trong việc điều hành chính sách tiền tệ nhất quán.

Lập trường của Fed và tác động đến thị trường tài chính châu Á

Một báo cáo hồi đầu năm của S&P Global Ratings cho thấy nguy cơ Fed đảo ngược lập trường chính sách tiền tệ khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường mới nổi châu Á, như những gì đã xảy ra ở lần taper tantrum (cơn thịnh nộ của thị trường) 8 năm trước đây.

Khi đó, sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau tuyên bố của Fed về việc cắt giảm gói mua tài sản đã khiến dòng tiền chảy mạnh mẽ khỏi các thị trường mới nổi, đặc biệt tại châu Á để trở về Mỹ. Điều này buộc các ngân hàng Trung ương châu Á tăng lãi suất để bảo vệ dòng vốn.

Nhưng lần này, nỗi lo dòng vốn chảy khỏi thị trường là không lớn. Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings cho hay: “Không phải tất cả các cú sốc về lợi suất trái phiếu đều có cùng bản chất”.

Ảnh tác giả

“Đà phục hồi của các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ giúp tăng cường sức chống chịu khi lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng. Ngoài ra, điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại ở châu Á như thặng dư tài khoản vãng lai, mức lạm phát bình quân thấp, dự trữ ngoại hối cao hơn… cho phép khu vực này đề phòng tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài so với năm 2013”.

Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng S&P Global Ratings

Đồng quan điểm, các nhà phân tích từ HSBC trong một báo cáo gần đây nhận định động thái trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng sắp tới của Fed chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng đến các quốc gia khác, nhưng khu vực châu Á lần này dự kiến chịu tác động khá nhẹ nhàng.

Tương tự S&P Global Ratings, HSBC nhận định có 2 yếu tố chính khiến các ngân hàng trung ương châu Á linh hoạt hơn trong việc phản ứng với động thái của Fed lần này: áp lực lạm phát không quá lớn và vị thế mạnh tương đối trong thanh toán quốc tế tạo dư địa linh hoạt cho chính sách tiền tệ.

Lạm phát cơ bản (đường màu đỏ) và lạm phát lõi (đường màu đen) ở các thị trường mới nổi châu Á vẫn đang được kiểm soát ở mức ổn định (% so với cùng kỳ năm trước) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Lạm phát cơ bản (đường màu đỏ) và lạm phát lõi (đường màu đen) ở các thị trường mới nổi châu Á vẫn đang được kiểm soát ở mức ổn định (% so với cùng kỳ năm trước) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Tài khoản vãng lai của đa số các nền kinh tế châu Á hiện ở vị thế tốt hơn các đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ trước đây của Fed (% GDP, bình quân qua các giai đoạn) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Tài khoản vãng lai của đa số các nền kinh tế châu Á hiện ở vị thế tốt hơn các đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ trước đây của Fed (% GDP, bình quân qua các giai đoạn) (Nguồn: CEIC, HSBC)

NHNN Việt Nam cam kết đảm bảo thanh khoản, ổn định mặt bằng lãi suất trong điều kiện cho phép

Tại Việt Nam, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với 3 công cụ chính: giảm lãi suất điều hành, từ đó giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, bơm tiền chủ yếu thông qua kênh mua ngoại tệ tạo dòng thanh khoản dồi dào cho thị trường và gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Hiện nền tảng vĩ mô trong nước được đánh giá vững chắc với tỷ giá được điều tiết ổn định, lạm phát ở mức thấp (dự báo lạm phát cả năm khoảng 2%), dự trữ ngoại hối vượt 100 tỷ USD… tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Lạm phát tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp, tạo điều kiện cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt (Nguồn: NHNN, Mirae Asset)

Lạm phát tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp, tạo điều kiện cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt (Nguồn: NHNN, Mirae Asset)

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay NHNN đang theo dõi sát sao, nếu nguy cơ lạm phát hiện hữu không loại trừ khả năng phải kiểm soát tiền tệ, ảnh hưởng đến thanh khoản và mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, quan điểm chung là NHNN sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, trong điều kiện cho phép tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất.

Nhận định về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hôm 5/12: “Lạm phát đang trở thành vấn đề toàn cầu, các ngân hàng Trung ương (NHTW) đã bắt đầu thu lại hỗ trợ. Thống kê cho thấy tính đến nay đã có 93 lượt tăng lãi suất của các NHTW toàn cầu, trong đó từ tháng 9 đến nay là 50 lượt, chỉ có 11 lượt hạ từ đầu năm đến nay. Tức là việc điều hành chính sách tiền tệ chung của thế giới đang thận trọng dần."

Tương tự quan điểm của Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, trả lời chất vấn Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV hôm 12/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết bước sang năm 2022, áp lực kiểm soát lạm phát là rất lớn khi các nền kinh tế thế giới dần phục hồi dẫn đến nhu cầu tăng trong khi giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng đột biến.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian tới, NHNN cam kết tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa giảm lãi suất nhưng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn tổ chức tín dụng và toàn hệ thống tài chính, tránh tác động lan truyền.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.