FLC lại đề xuất dự án khủng, cổ phiếu dần hồi phục sau ồn ào 'bán chui'

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:00 - 21/03/2022
Lãnh đạo FLC và huyện Củ Chi trong buổi làm việc về hai dự án trên địa bàn.
Lãnh đạo FLC và huyện Củ Chi trong buổi làm việc về hai dự án trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh doanh nghiệp ồ ạt triển khai hoạt động kinh doanh và đề xuất các dự án mới, cổ phiếu FLC đã có sự hồi phục đáng kể, bứt phá khỏi vùng lình xình 12.000 đồng/cp kể từ sau vụ ồn ào 'bán chui' cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết.

Sau một phiên tăng trần và một phiên tăng mạnh, cổ phiếu FLC kết phiên 18/3 ở mức giá hơn 14.000 đồng/cp. Đây là tín hiệu khá tích cực của mã này bởi từ khi trượt dốc từ vùng đỉnh 22.500 đồng/cp do sự kiện ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu hồi đầu tháng 1/2022, FLC như sa vào vũng lầy, không thể bứt phá khỏi vùng giá 12.000 đồng dù cũng có những phiên tăng.

Ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự hồi phục của thị trường bất động sản thì việc FLC liên tục triển khai các hoạt động kinh doanh cũng phần nào lấy lại niềm tin cho các cổ đông nhỏ lẻ. Mới đây nhất, ngày 18/3, tập đoàn này vừa có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi (TP HCM) để báo cáo chi tiết về đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án: Công viên Sài Gòn Safari (quy mô hơn 456 ha) và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (quy mô hơn 910 ha).

Cụ thể, dự án Công viên Sài Gòn Safari tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, bao gồm 5 phân khu: Khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp. Theo phương án của FLC, nhiều hạng mục tiện ích cao cấp sẽ lần đầu xuất hiện tại Củ Chi như Công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, vườn thú mở, khu Safari, công viên nước, khu trò chơi mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao…

"Doanh nghiệp mong muốn xúc tiến các thủ tục về pháp lý theo quy định để có thể khởi công dự án ngay trong quý III năm nay, dự kiến đưa vào vận hành trong 2025”, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết.

Phối cảnh dự án Công viên Sài Gòn Safari quy mô 456 ha.

Phối cảnh dự án Công viên Sài Gòn Safari quy mô 456 ha.

Còn dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, quy mô hơn 910 ha tại xã An Phú và xã Phú Mỹ Hưng; được định hướng phát triển theo tiêu chí sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện trạng để trở thành một tổ hợp đa chức năng.

Vừa qua, FLC cũng gây chú ý tại thị trường quốc tế khi phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Frankfurk. Trong khuôn khổ sự kiện, ba ký kết đã được triển khai giữa hãng hàng không Bamboo Airways và các đối tác chiến lược tại Đức, bao gồm Tập đoàn AVIAREPS - Tổng đại lý của Bamboo Airways tại thị trường Đức; AIA (Airbridge International Agencies) - Tổng đại lý hàng hoá của Bamboo Airaways tại thị trường Đức, Anh và Lufthansa Technik - công ty kỹ thuật trực thuộc tập đoàn hàng không lớn nhất của Đức Lufthansa.

Từ ngày 25/2, Bamboo Airways đã chính thức khai trương đường bay thẳng kết nối Hà Nội – Frankfurt và cho biết sắp tới sẽ mở tiếp đường bay tới hai thành phố Berlin và Munich.

Đáng chú ý là tại diễn đàn, Lãnh đạo FLC còn tiết lộ để tăng cường đầu tư vào Đức cũng như làm cầu nối cho các doanh nghiệp Đức sang Việt Nam đầu tư, FLC có kế hoạch xây tòa nhà cao tầng Frankfrut, tăng cường giới thiệu các dự án của FLC đến với các nhà đầu tư Đức.

Không chỉ hai sự kiện trên, từ sau vụ lùm xùm Chủ tịch Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu, FLC rất tích cực làm hình ảnh bằng các kế hoạch kinh doanh và hoạt động xã hội. Điển hình như ra mắt thương hiệu trang sức FJC, đề xuất xây tòa tháp 99 tầng tại Bình Chánh, đưa phi cơ của hãng Bamboo Airways sang Ấn Độ đón các thành viên Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam, tài trợ toàn bộ chi phí các chuyến bay sơ tán đồng bào người Việt tại Ukraine do Bamboo Airways thực hiện theo phân công của Chính phủ…

Ngoài sự hồi phục, trên các hội nhóm chứng khoán, nhà đầu tư cũng đã bớt “cay nghiệt” với cổ phiếu FLC. Tuy nhiên kỳ vọng vào doanh nghiệp vẫn chưa cao vì FLC ngoài việc tiên phong trong nhiều lĩnh vực thì cũng vướng khá nhiều lùm xùm trong quá khứ. Đặc biệt là việc phát triển dự án. Thực tế nhiều dự án tập đoàn này đề xuất nhưng chỉ cắm biển để đấy hoặc bị thu hồi do thời gian triển khai quá lâu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.