FLC lấn sân sang đường sắt

flc DOANH NGHIỆP
18:22 - 22/02/2022
Tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang muốn lấn sân sang lĩnh vực đường sắt.
Tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang muốn lấn sân sang lĩnh vực đường sắt.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn FLC vừa có đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng. Đây là một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo Việt Nam và Lào cùng quan tâm.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có văn bản gửi người đồng cấp Lào về đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng của Tập đoàn FLC. Ông bày tỏ mong muốn hai bên phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện cho FLC sớm gặp gỡ, trao đổi với đối tác phía Lào về khả năng hợp tác, nghiên cứu phát triển dự án.

Trao đổi với truyền thông, đại diện FLC xác nhận thông tin này và cho biết đây mới chỉ là đề xuất bước đầu. Phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện các thủ tục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào, tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng là một trong những dự án trọng điểm được lãnh đạo Việt Nam và Lào quan tâm. Tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào và sự kiện hai Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp 2 nước ngày 10/1, hai bên đã thống nhất sẽ tập trung thúc đẩy để sớm hoàn thành.

Cụ thể, tuyến đường sắt sẽ kết nối từ cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Thà Khẹk (Lào) và tỉnh Quảng Bình đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với chiều dài khoảng 160 km. Trong đó, Chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận cho Chính phủ Lào thuê 50 năm khu cảng 1, 2, 3 thuộc cảng Vũng Áng mở rộng.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD, trong đó phần vốn đầu tư bên Việt Nam là gần 1,6 tỷ USD theo hình thức PPP. Hiện, liên danh Công ty TNHH Thương mại dầu khí Lào và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư HT Việt Nam đã bỏ kinh phí nghiên cứu và trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Tuyến đường sắt sẽ kết nối từ cửa khẩu Cha Lo đến cảng Vũng Áng.

Tuyến đường sắt sẽ kết nối từ cửa khẩu Cha Lo đến cảng Vũng Áng.

Trong khi đó, thời gian qua FLC liên tục có động thái “làm mới”, sau khi ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC bị dư luận chỉ trích vì hành vi “bán chui” cổ phiếu. Sau khi ra mắt thương hiệu vàng-trang sức cao cấp FJC, doanh nghiệp lại gây chú ý khi đề xuất đầu tư dự án phức hợp 1.200ha, tổng vốn 80.000 tỷ đồng tại TP HCM.

Cụ thể là dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City tại xã Tân Nhựt và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, bao gồm 5 phân khu với điểm nhấn là tòa tháp Landmark cao 99 tầng nằm ở lõi dự án. FLC kỳ vọng đây sẽ là công trình biểu tượng mới tại phía Tây TP HCM. Ngày 16/2 vừa qua, FLC tiếp tục được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao quyết định trúng thầu dự án Khu đô thị Yên Lạc Green City Vĩnh Phúc và Tập đoàn đang nghiên cứu đầu tư 8 dự án tại tỉnh này.

Việc FLC đẩy mạnh các hoạt động mới diễn ra sau một năm kinh doanh không như mong muốn do tác động của dịch Covid-19. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn chỉ xấp xỉ 84 tỷ đồng, giảm 73% so với năm 2020. So với kế hoạch 880 tỷ đồng thì doanh nghiệp chỉ thực hiện được vỏn vẹn 9,5%.

Năm 2022, FLC đặt doanh thu gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về lĩnh vực bất động sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.