Gắn đào tạo với thực tiễn để đáp ứng nhân lực cho thương mại điện tử

TMĐT CĐS
22:49 - 07/09/2022
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kiến nghị áp dụng mô hình kết nối 3 bên.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kiến nghị áp dụng mô hình kết nối 3 bên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như logistics, tiếp thị số đang tăng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động đào tạo các ngành này tại trường đại học còn gặp nhiều trở ngại và thiếu sự gắn kết với thực tiễn

Quy mô thị trường thương mại điện tử đặt ra nhu cầu nhân lực lớn

Theo Báo cáo Đào tạo thương mại điện tử 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), hiện nay Việt Nam có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử.

Tại hội thảo Đào tạo thương mại điện tử 2022, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, cần áp dụng mô hình kết nối 3 bên gồm trường đại học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có có sự phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây, luôn tăng trưởng lên tới 25% - 30%. Hai năm diễn ra dịch bệnh, dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do quy mô thị trường đã lớn, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% năm 2020 và 16% năm 2021.

Quy mô thị trường tăng cao thể hiện nhu cầu sử dụng dịch vụ thương mại điện tử của người dân tăng cao, khiến doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số để đáp ứng thị trường. Kéo theo đó là nhu cầu về nhân lực ngành này rất lớn. Theo khảo sát về thương mại điện tử hàng năm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử

Hiện nay, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Indonesia, ngang bằng với Singapore và Phillipines. Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhiều chuyên gia đánh giá sức bật và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam rất cao, có phần nhỉnh hơn Indonesia.

Trong đó, Việt Nam có nhân lực trẻ tuổi, năng động, khả năng ứng dụng công nghệ số cao, điều này tạo thuận lợi cho việc đào tạo nhân lực trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, thế hệ GenZ của Việt Nam ngày nay cũng có tư duy mới, sáng tạo, phù hợp cho việc đào tạo thương mại điện tử, vốn là ngành nghề có sự vận động nhanh, mạnh và liên tục.

Ngoài ra, khi thị trường phát triển nhanh sẽ tạo nên nhu cầu tuyển dụng lớn, với nhiều cơ hội việc làm có mức lương cao, thu hút sinh viên lựa chọn ngành học này.

Liên kết cải thiện chương trình đào tạo, gắn với nhu cầu của thị trường

Trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Công Thương, phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 nhóm chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển của thương mại điện tử. Trong đó, đặt ra 2 mục tiêu gồm 50% cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử; có 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên… được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để đáp ứng được mục tiêu này, ngành đào tạo thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn những thiếu sót cần cải thiện. Trong đó, vừa cần gia tăng số lượng trường đào tạo, vừa cần nâng cao chất lượng dạy học. Hiện nhu cầu thị trường đang lớn, nhưng khả năng đào tạo nhân lực vẫn còn hạn chế.

Theo bà Việt Anh, mới chỉ có 30% nhân lực trong ngành thương mại điện tử được trải qua đào tạo chính quy, 55% đến từ các ngành đào tạo gần như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn 15% đến từ các ngành nghề khác. Như vậy, dư địa cho đào tạo đại học chính quy ngành thương mại điện tử vẫn còn rất lớn.

Trong khi đó, dù đã trải qua 10 năm phát triển kể từ khi mã ngành thương mại điện tử lần đầu tiên được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy tại hai trường đại học của Việt Nam năm 2013, hiện ngành này vẫn được coi là tương đối mới. Vẫn có tình trạng thiếu hụt về giảng viên, đào tạo giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, khiến cho ngành này còn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của thị trường.

Do vậy, theo kiến nghị của ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM, việc trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các trường đại học cũng như giữa các trường đại học với doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.

Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM phát biểu tại hội thảo.

Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban hợp tác của VECOM phát biểu tại hội thảo.

Một mặt, các trường đại học đi trước có thể chia sẻ lại các chương trình đào tạo, học liệu, trao đổi, đào tạo giảng viên cho các trường tiếp cận sau. Mặt khác, các trường này cũng có thể tham khảo các hướng tiếp cận mới mẻ, riêng biệt của các trường phát triển sau để từ đó bổ sung, cải thiện thêm cho chương trình đào tạo của mình.

Ông Tâm chia sẻ rất ấn tượng với lối tiếp cận mới mẻ của các trường như Hoa Sen, Văn Hiến, Việt – Hàn, đều là những trường mới mở ngành thương mại điện tử. Trong khi đại học Hoa Sen chú trọng giảng dạy thương mại điện tử theo hướng tiếp cận từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thì đại học Văn Hiến lại tiếp cận theo hướng du lịch. Còn đại học Việt – Hàn lại đầu tư giảng dạy ngoại ngữ với định hướng có thể xuất khẩu các giải pháp quản lý, phát triển cho thương mại điện tử.

Ngoài ra, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và trường đại học cũng cần được quan tâm và cải thiện, vì “học” phải đi đôi với “hành”. Thạc sĩ Tạ Trần Phương Nhung, Giảng viên ngành Thương mại điện tử của Đại học Đông Đô, cũng đồng thời là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử cho biết, bà cảm thấy tiếc khi sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại điện tử, đi làm đúng ngành lại bỡ ngỡ với công việc thực tế. Thực trạng này khiến cho cả sinh viên và nhà tuyển dụng đều tốn thời gian, công sức và tiền bạc để đào tạo và làm quen lại với công việc từ đầu.

Vì vậy, cần có thời gian ứng dụng, thực tập thêm cho sinh viên, gia tăng thực hành ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, ngành thương mại điện tử vốn có quy mô rất rộng, có sự ứng dụng khác nhau giữa các công ty vì mỗi công ty sẽ cần nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng đa dạng.

Do vậy, bà Phương Nhung kiến nghị giải pháp chia nhỏ các chuyên ngành học theo hướng ứng dụng, tập trung đào tạo và kết nối với doanh nghiệp theo một chuyên ngành, mục tiêu nhất định. Từ đó, gia tăng sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và trường đại học để có hướng tiếp cận gần thực tế công việc cho sinh viên.

Để phát triển đào tạo ngành thương mại điện tử thời gian tới, VECOM đưa ra 10 kiến nghị:

- Khảo sát định kỳ tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Xây dựng Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử.

- Bồi dưỡng giáo viên thương mại điện tử.

- Tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo thương mại điện tử.

- Đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần về thương mại điện tử.

- Tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cậu lạc bộ sinh viên thương mại điện tử.

- Tổ chức cuộc thi toàn quốc về thương mại điện tử.

- Nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu về thương mại điện tử.

- Đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến, tuyên truyền về ngành thương mại điện tử.

- Chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.