GDP quý I tăng trưởng 5,03%, mục tiêu đạt 6,5% cả năm là thách thức lớn

KINH TẾ Việt nAM
14:41 - 29/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trong buổi họp báo công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý I năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Tuy đã ghi nhận đà tăng đều nhưng con số này vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019, thời điểm chưa có Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh cộng thêm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, bức tranh kinh tế-xã hội trong quý 1 của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực. Như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,4%%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 8,9%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9% (xuất siêu 809 triệu USD)...

Theo bà Hương, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03% là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp (+0,81%). Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bước sang quý II, bà Hương nhận định kinh tế – xã hội Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm nay vẫn là một thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và thế giới khi quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid 19 nhưng kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% trong năm 2020 và 2,58% trong năm 2021.

Trong năm 2021, dù tăng trưởng không như kỳ vọng nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 5 về GDP trong khu vực Đông Nam Á với GDP khoảng 352 tỷ USD, xếp sau Singapore với vị trí thứ 4 với 364 tỷ USD. Vị trí top 3 là Indonesia, Thái Lan và Philippines không thay đổi so với năm 2020. Năm 2019, Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank cho rằng, kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm sắp tới.

Năm 2022, Việt Nam đang được kỳ vọng có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng 6-7% như trước Covid-19, theo đó trở lại vị trí thứ 4 về quy mô nền kinh tế trong khu vực ASEAN. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đặt mục tiêu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt khoảng 6 - 6,5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.