Quý I/2022: Lạm phát tăng bình quân 0,81%, công nghiệp và dịch vụ khởi sắc

KINH TẾ Việt nAM
10:03 - 29/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo. Khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng đáng kể khi nhiều hoạt động sôi động trở lại, với sự đóng góp chủ chốt của lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%. Ngành khai khoáng cũng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%). Còn ngành xây dựng tăng 2,57% nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Trong đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá (tăng 7,4 tạ/ha) so với vụ mùa năm trước; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ. Chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ có nhiều tín hiệu tích cực; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước. CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 3/2022 ước tính đạt 31.900 tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2022 đạt 359.900 tỷ đồng, bằng 25,5% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước đạt 15,6% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Tình hình hoạt động doanh nghiệp quý I/2022 cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7%; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II năm 2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I năm 2022.

Về hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách giảm 23,6%; luân chuyển hành khách giảm 15,8% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,2%, luân chuyển hàng hóa tăng 8,8%; khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1%.

Về hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng tích cực với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tính tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

Trong quý I năm nay, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 22/3, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ đạt gần 40.600 tỷ đồng, hỗ trợ cho 35,6 triệu lượt người lao động và 378.900 đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh.

Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38.600 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 363.600 đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động. Ngoài ra, để đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng do thiếu đói giáp hạt, ngày 15/3/2022 Chính phủ ra Quyết định số 340/QĐ-TTg cấp xuất 1.006,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Tin liên quan

Đọc tiếp