Giá dầu olive tăng cao kỷ lục do Tây Ban Nha gặp hạn hán

dầu olive Tây Ban Nha
17:19 - 04/05/2023
Hạn hán kéo dài tại Tây Ban Nha khiến sản lượng olive thu hoạch mùa vụ vừa qua giảm mạnh. Ảnh: CNN
Hạn hán kéo dài tại Tây Ban Nha khiến sản lượng olive thu hoạch mùa vụ vừa qua giảm mạnh. Ảnh: CNN
0:00 / 0:00
0:00
Do hạn hán kéo dài chưa có dấu hiệu suy giảm tại Tây Ban Nha – nhà sản xuất dầu olive hàng đầu thế giới – giá mặt hàng này đang đạt mức kỷ lục và có khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì tình trạng này trong một khoảng thời gian nữa.

CNBC trích dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết giá dầu olive toàn cầu hiện đạt 5.989,8 USD/tấn, đánh dấu mức cao nhất từng ghi nhận được trong vòng 26 năm qua. Trong khi đó, theo nhà phân tích dầu thực vật và hạt có dầu của Mintec là ông Kyle Holland, tình trạng giá cả tăng cao có thể tiếp tục duy trì “trong một khoảng thời gian tới”.

Ông Holland nhận định nguyên nhân chính của việc giá dầu olive tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm phần lớn là do thời tiết xấu. Một nguyên nhân khác chính là tình trạng khô hạn nghiêm trọng trong mùa trồng trọt trên phần lớn khu vực Địa Trung Hải, nhưng quan trọng nhất vẫn là Tây Ban Nha, nước sản xuất và xuất khẩu dầu olive lớn.

Theo Bộ Chuyển đổi Sinh thái của nước này, Tây Ban Nha đã hứng chịu một đợt thời tiết “rất khô” vào tháng 3 khi chỉ ghi nhận 36% lượng mưa trung bình hàng tháng. Xét về tổng thế, quốc gia này đã phải trải qua 36 tháng liên tiếp có lượng mưa dưới mức trung bình.

Vì các nguyên nhân thời tiết này, vụ thu hoạch olive từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023 gần đây cho sản lượng thấp hơn 50% so với sản lượng thông thường. Theo ông Holland, điều này tương đương với việc Tây Ban Nha chỉ sản xuất được khoảng 630.000 tấn dầu olive so với con số thông thường từ 1,4 tới 1,5 triệu tấn. Chính điều này đã khiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt và đẩy giá lên cao.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cảnh báo vụ thu hoạch tới có thể phải đối mặt với năng suất còn tồi tệ hơn nếu thời tiết không cải thiện.

Ông David Valmorbida, chủ tịch Hiệp hội Dầu olive Australia, cũng nhận định nạn hán hán “đang diễn ra tại châu Âu, quan trọng nhất là ở khu vực sản xuất dầu olive lớn nhất là Tây Ban Nha” chính là nguyên nhân gây ra sự thiếu hụt nguồn cung dầu olive toàn cầu.

Trong khi đó, áp lực từ nhu cầu càng gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng vốn đã bị thách thức. Trả lời CNBC ngày 4/5, ông Valmorbida cho biết nhu cầu về dầu olive vốn bắt đầu tăng mạnh trong những năm gần đây do mọi người nấu ăn tại nhà thường xuyên hơn sau đại dịch Covid-19. Điều này một phần khiến giá mặt hàng này tăng cao.

Sau đó, sự thiếu hụt dầu hướng dương xảy ra sau chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine càng khiến thị trường dầu ăn thế giới gặp căng thẳng, từ đó đẩy giá dầu olive và nhu cầu mặt hàng này lên cao hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, việc người tiêu dùng thay đổi thói quen có thể giúp thị trường giảm bớt một số áp lực. Theo ông Valmorbida, “người tiêu dùng đã bắt đầu giảm tiêu thụ dầu olive bằng cách sử dụng tiết kiệm hơn hoặc chuyển sang dùng dầu thực vật hoặc dầu hạt hoặc các loại dầu hỗn hợp khác nhau”.

Tuy nhiên, ông khẳng định nhu cầu cơ bản với dầu olive – một sản phẩm tự nhiên và tốt cho sức khỏe – vẫn “sẽ được duy trì ở bất kỳ mức giá nào”. Do đó, trọng tâm vẫn là sự gia tăng lượng mưa tại Tây Ban Nha. Nếu điều này không xảy ra, giá olive có thể tiếp tục tăng cao trên mức 5,53 USD/kg cho tới vụ thu hoạch năm 2023 – 2024.

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.